Bế mạc Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu-Sóc Trăng

Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ thường niên ba tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu và Sóc Trăng lần thứ 10, do tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức đã bế mạc và công diễn phục vụ công chúng vào tối 23/4.

Các đơn vị công diễn tiết mục xuất sắc phục phục công chúng tại buổi bế mạc. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ban tổ chức cũng đã trao 50 giải thưởng cho các đội, tài tử, nghệ nhân có tiết mục, phong cách trình diễn xuất sắc tại Liên hoan.

Liên hoan thu hút 8 đội đờn ca tài tử, với 100 ngón đờn điêu luyện, nghệ nhân và tài tử của 5 tỉnh gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang.

Qua hai đêm (21-22/4) giao lưu và tranh tài tại Liên hoan, các đội đã cống hiến cho khán giả 48 tiết mục đặc sắc gây ấn tượng cho công chúng thưởng thức bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử ở Cà Mau.

Phát biểu tại buổi bế mạc, ông Dương Huỳnh Khải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Trưởng ban tổ chức Liên hoan nhận xét Liên hoan lần này đã hội tụ được những ngón đờn điêu luyện, giọng ca hay và chủ đề từng tiết mục biểu diễn gắn liền với đời sống văn hóa đương đại.

Hầu hết các chương trình đều có tiết mục, nội dung tốt phù hợp với chủ đề của Liên hoan; đánh dấu bước phát triển mới của Liên hoan trong thời kỳ hội nhập, quảng bá đờn ca tài tử, đưa loại hình nghệ thuật này vào đời sống cộng đồng.

Thành công lớn nhất của Liên hoan phải kể đến Ban tổ chức các tỉnh có sự quan tâm, đầu tư dàn dựng nhiều tiết mục công phu, nội dung chương trình hay; đặc biệt các ban nhạc đã chọn những bài ca vừa mang tính văn học, vừa có tính thời sự, đậm đà tính nhân văn. Chủ đề các bài ca phát huy tinh thần đoàn kết bảo vệ xây dựng quê hương, xây dựng đời sống mới và xây dựng nông thôn mới…

Trong những lần tổ chức liên hoan tới, các tỉnh nên chọn lọc bài ca mới theo điệu 20 bản Tổ, có nội dung ca ngợi về quê hương mình. Bên cạnh đó, các ban nhạc cần dành nhiều thời gian tập luyện để hòa ca tự tin hơn, mở rộng dàn nhạc, phát huy âm sắc nhạc khí tài tử, chú ý hơn nữa các tiết mục độc tấu, hòa tấu để chuyên nghiệp hóa các tiết mục biểu diễn trong Liên hoan lần sau.

Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu và Sóc Trăng còn là dịp để các nghệ nhân, tài tử giao lưu, học tập trau dồi từng ngón đờn, lời ca nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ – một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

KIM HÁ (TTXVN/VIETNAM+)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.