Bảo hiểm y tế – “Phao cứu sinh” khi bệnh tật

Xác định, bảo hiểm y tế là một trong ba trụ cột an sinh xã hội, ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều cải cách quan trọng đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Cả xã hội cần đồng thuận để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

“Bùa hộ mệnh” trong cơn nguy nan

Gặp mưa lớn khi đang trên đường về nhà trên xe gắn máy, Nguyễn Mạnh Tiến (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) không làm chủ được tốc độ, tự gây tai nạn giao thông. Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện Quân Y 175, TPHCM (ngày 29/3/2015) cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, gãy xương đòn, xương hàm…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bảo hiểm y tế cho những hoàn cảnh đặc biệt

Sau hơn 2 tháng nằm viện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng tổng chi phí điều trị lên tới hơn 130 triệu đồng.

Mạnh Tiến không có bảo hiểm y tế, để cứu sinh mạng của con, cha mẹ Tiến ở quê đã phải bán cả trâu bò, ruộng vườn, vay mượn khắp nơi lo tiền chạy chữa. Từ một nam thanh niên khỏe mạnh, đã tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, TPHCM, giờ đây Mạnh Tiến trở thành gánh nặng của gia đình bởi những di chứng sau tai nạn.

Làm nghề nông nhưng không còn ruộng đất và công cụ sản xuất, khi nghĩ đến những khoản nợ chồng chất, bà Nguyễn Thị Nga (50 tuổi, mẹ của Tiến) thở dài: “Giá như tôi mua bảo hiểm cho con mình thì cả gia đình đâu đến nỗi lâm vào cảnh khốn cùng này”.

Cũng trong tình cảnh nguy nan vì bệnh tật, nhưng em Trương Huỳnh Phương Thảo (17 tuổi, ngụ tại Hậu Giang) may mắn vì có thẻ bảo hiểm y tế làm “phao cứu sinh”. Đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học, thực hiện ước mơ trở thành điều dưỡng, Phương Thảo bất ngờ đổ bệnh phải chuyển cấp cứu đến bệnh viện Chợ Rẫy. BS Lê Thành Khánh Vân, Phó khoa Phẫu thuật Tim cho biết, bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, vi trùng tấn công làm rách và hở van động mạch phổi gây suy tim nặng.

Cuộc phẫu thuật can thiệp thành công giúp Phương Thảo thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Tổng chi phí điều trị tốn gần 100 triệu đồng, nhưng nhờ có bảo hiểm y tế thanh toán, gia đình chỉ phải chi trả gần 30 triệu đồng cho những khoản chi phí phát sinh.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ phó Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Trên cả nước hiện có khoảng 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong những vùng khó khăn, người có công với cách mạng.

Để chính sách bảo hiểm y tế làm tròn nhiệm vụ an sinh xã hội, ngày 1/1/2015, nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế sửa đổi, hỗ trợ toàn bộ chi phí mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng trên, đồng thời áp dụng mức thanh toán 100% chi phí bảo hiểm y tế khi họ khám chữa bệnh. Các đối tượng thuộc diện cận nghèo cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia bảo hiểm y tế, khi khám chữa bệnh, đối tượng này sẽ được bảo hiểm thanh toán 95% chi phí. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2,5 triệu người (40%) thuộc nhóm cận nghèo trên cả nước tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đã huy động một số dự án ODA, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ và đề nghị các tỉnh, thành phố huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu 100% số người trong nhóm này có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014 đến 2015 để có hình thức hỗ trợ phù hợp, giúp họ tham gia bảo hiểm y tế.

Đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục phiền hà

Để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu, năm 2015 tỷ lệ bao phủ đạt 75% dân số, đến năm 2020 ít nhất đạt 80% dân số cả nước tham gia. Nhằm thể chế hóa mục tiêu đặt ra, chiến lược bảo hiểm y tế hộ gia đình theo hình thức bắt buộc của luật bảo hiểm sửa đổi đã được thực thi. Khi mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mức đóng sẽ giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất, kể từ người thứ năm, mức đóng chỉ bằng 40% so với người thứ nhất.

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), bảo hiểm y tế hộ gia đình ngay trong bản chất đã thể hiện tính nhân văn và mang lại lợi ích cho người tham gia. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại vấp phải nhiều khó khăn do một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa hiểu hết các quy định của Luật. Người đang tham gia bảo hiểm, có tên trong hộ khẩu nhưng đã ly hôn hoặc đi nước ngoài khi gia đình đến đăng ký mua bảo hiểm y tế thì bị chính quyền địa phương bắt phải trình giấy ly hôn, giấy tạm vắng… để chứng minh. Cách làm máy móc trên đã gây phiền hà cho người dân khi đăng ký mua bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Để gỡ rối về mặt thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị đơn giản thủ tục tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong giai đoạn hiện nay, không bắt buộc người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia bảo hiểm y tế của thành viên hộ gia đình.

Từ những động thái tích cực trên, đến 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Riêng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 người so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4%. Điều đó chứng tỏ, chính sách pháp luật mới về bảo hiểm y tế đã dần đi vào cuộc sống và được người dân đồng thuận ủng hộ.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân. Phát triển hệ thống đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu bảo hiểm y tế thông qua hợp đồng với Trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình. Các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương chính sách và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế từ đó nỗ lực vận động người dân tham gia, phấn đấu đạt mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đã đề ra./.

Dân trí

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.