Ngày 02/12, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp tổ chức triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới”.
Mộc bản và bản dập bìa sách “Đại Nam thập lục Chính biên Đệ nhị kỉ”. Ảnh: Mai Anh
Triển lãm trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu lựa chọn từ hai khối Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.
Cả hai loại tư liệu được trưng bày trong triển lãm đều là những tài liệu đặc sắc, phản ánh rõ nét và xác thực về sự quan tâm và chủ trương của các vị vua triều Nguyễn đối với việc biên soạn chính sử. Chủ trương này được thể hiện qua các biện pháp tổ chức thực hiện, cụ thể như việc tổ chức Quốc sử quán, tuyển bổ người biên soạn, kiểm duyệt, san khắc, in ấn cũng như bảo quản, sử dụng các bộ chính sử và các ván khắc in.
Các tài liệu này cũng một lần nữa khẳng định đóng góp và thành quả của triều Nguyễn đối với việc biên soạn những cuốn sách sử lớn của vương triều như: Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam Hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…
Châu bản triều Nguyễn đã trở thành Di sản tư liệu thế giới từ ngày 14/05/2014, trong khi Mộc bản triều Nguyễn được công nhận vào ngày 31/07/2009. Cả hai nguồn tư liệu quý giá này đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng).
Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới” kéo dài đến hết tháng 01/2016 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội).
Nguồn: Hà Thảo (Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam)
Link: