Tiền Giang: Thu nhập rất cao từ việc nuôi chim cảnh quý hiếm
Hàng năm thu lời trên 500 triệu đồng từ việc nuôi chim cảnh ( kiểng) quý hiếm như công, trĩ đỏ…đó là anh Trương Văn Phúc, hiện mới 28 tuổi, ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Anh Phúc là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh trẻ tuổi nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Chim trĩ đỏ được nuôi trong chuồng giống như gà, không tốn kém nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao
Trang trại nuôi động vật hoang dã Thanh Phong do anh Trương Văn Phúc làm chủ, ở ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông hiện đang nuôi trên 1.500 con chim trĩ đỏ, 48 cặp chim công và 300 con gà đông tảo. Để thành công như ngày hôm nay, anh đã dành 4 năm học đại học chuyên ngành chăn nuôi, sau đó khởi nghiệp bằng 1 cặp chim trĩ đỏ. Đây cũng là tất cả vốn liếng trước đây của chủ trại Thanh Phong vì giống chim trĩ đỏ có giá rất cao. Dốc sức chăm sóc cộng với ước mơ làm giàu mãnh liệt, Phúc nhân giống chim trĩ lên được 8 cặp, rồi một năm sau được 50 cặp và đến nay là trên 750 cặp. Bình quân cứ 2 tháng, anh cung cấp cho thị trường 200 con giống và 100 con chim kiểng. Mỗi con chim trĩ giống 1 tháng tuổi có giá 300 ngàn đồng và 1 triệu đồng một con chim kiểng. Chỉ tính riêng chim trĩ đỏ, sau khi trừ đi chi phí, nhà nông trẻ nhạy bén này thu lãi gần 300 triệu đồng.
Từ năm 2010, anh Phúc nuôi thêm chim công và gà đông tảo. Với kinh nghiệm chăm sóc chim trĩ đỏ, anh dễ dàng phát triển đàn chim công và gà đông tảo, thu nhập trên 200 triệu đồng một năm. A nh còn đầu tư máy ấp trứng để giảm thất thoát trong sản xuất con giống mà chất lượng con giống cũng cao hơn so với cách ấp truyền thống.
“Tiếng lành đồn xa”. Khoảng 200 trang trại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung không ngại xa xôi đến tận trại Thanh Phong để mua con giống. Anh Phúc nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con với mong muốn nông dân tìm hướng sản xuất mới, lợi nhuận kinh tế cao và góp phần bảo tồn động vật quý hiếm./.
TTXVN