Số hóa truyền hình sẽ mở đường cho 4G tại VN

Lựa chọn công nghệ truyền hình số mặt đất, sử dụng phổ tần hài hòa hậu số hoá,… là các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị diễn đàn chính sách tần số vô tuyến điện (ASPF) lần thứ 2 tại Hải Phòng, sáng 8/4 do Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ TT&TT tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội nghị ASPF-2.

Lợi ích từ cuộc “cách mạng truyền hình”

Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đề nghị. Tại “Hội nghị toàn quốc triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020” sáng 26/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã khẳng định, số hóa truyền hình là con đường tất yếu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đã coi xu hướng số hóa truyền hình là bất khả kháng.

Truyền hình số mặt đất không chỉ đem lại lợi ích về chất lượng chương trình truyền hình mà còn đem lại rất nhiều lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện.

Theo các chuyên gia, truyềnh hình số mặt đất cho chất lượng chương trình truyền hình cao hơn hẳn so với truyền hình tương tự, với âm thanh hình ảnh trung thực và sắc nét, không có hiện tượng bóng ma. Quan trọng hơn, truyền hình số mặt đất sẽ sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự.

Chẳng hạn, nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình  trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz.

Điều này cũng có nghĩa là, khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF sử dụng cho truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Phần băng tần “dôi dư” này có thể dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng (4G) và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nói cách khác, việc số hóa truyền hình sẽ mở đường cho việc triển khai dịch vụ băng rộng 4G tại Việt Nam.

Quy hoạch hậu số hóa truyền hình

Trong bối cảnh hiện tại, để có thể triển khai số hóa truyền hình, đòi hỏi các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khai thác và sản xuất thiết bị tham gia công tác quy hoạch, xây dựng và chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ tương tự sang truyền hình số. Đặc biệt cần nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp, đài phát thanh truyền hình triển khai thuận lợi quá trình số hóa.

Theo phân tích của các chuyên gia, những vấn đề Việt Nam cần đặc biệt quan tâm vào thời điểm này chính là xu hướng lựa chọn công nghệ truyền hình số mặt đất, kinh nghiệm về chuyển đổi truyền hình tương tự sang truyền hình số, bộ chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia cho truyền hình số và đặc biệt là việc quy hoạch sử dụng băng tần sau số hóa truyền hình số.

Việc quy hoạch sử dụng băng tần lợi ích số hóa truyền hình (Digital Dividend) cần được thực hiện sớm và phải hài hòa lợi ích quản lý, lợi ích kinh tế xã hội. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc lựa chọn phương án quy hoạch tốt sẽ mở đường cho phát triển thông tin di động băng thông rộng và đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Ngoài ra, việc quy hoạch tần số cũng cần tính đến sử hài hòa băng tần giữa các quốc qia giúp cho việc phối hợp quản lý tần số tại khu vực có chung đường biên giới dễ dàng hơn, tránh can nhiễu có hại tại khu vực biên giới gây ảnh hưởng tới dịch vụ mạng thông tin vô tuyến.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện phát biểu tại Hội nghị.

Theo các chuyên gia của Cục Tần số Vô tuyến điện, việc xác định rõ băng tần lợi ích số hóa truyền hình cho Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn số hóa truyền hình.

Hiện tại, Bộ TTTT đang xây dựng Thông tư ban hành quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất đến năm 2020, do vậy, hơn lúc nào hết càng cần phải có những định hướng quy hoạch sử dụng băng tần UHF để ngay khi hoàn thành số hóa truyền hình băng tần lợi ích số hóa truyền hình có thể sẵn sàng cho thông tin vô tuyến băng rộng.

VOV

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.