Quản lý internet theo pháp luật là yêu cầu tất yếu ở mọi quốc gia!

“Khoa học mà không có ý thức thì chỉ phá hoại tâm hồn” – đó là câu nói của nhà văn Pháp F.Rabelais đưa ra cách đây hơn 500 năm. Nếu xem xét từ lịch sử sử dụng thành tựu khoa học của con người, thì đến hôm nay, ý kiến của F.Rabelais vẫn còn nguyên giá trị. Như với internet chẳng hạn, việc lợi dụng thành tựu khoa học này vào mục đích xấu không chỉ có thể phá hoại tâm hồn, mà còn có thể phá hoại xã hội, phá hoại chính cuộc sống của con người.

Ðầu tháng 6 vừa qua, các cơ quan truyền thông trên thế giới đưa tin: từ ngày 1-6-2013, quy định mới của Chính phủ Singapore về việc cấp phép hoạt động cho các trang tin điện tử bắt đầu có hiệu lực. Quy định này buộc các trang tin có ít nhất 50 nghìn người truy cập từ Singapore hằng tháng và hằng tuần có ít nhất một tin về xã hội Singapore thì trong hai tháng trở lên phải xin giấy phép hoạt động; các trang mạng được cấp phép có nghĩa vụ phải rút nội dung nào xâm phạm đến sự hài hòa tôn giáo, chủng tộc trong vòng 24 giờ sau khi MDA – cơ quan quản lý truyền thông quốc gia, yêu cầu; cơ quan thẩm quyền có thể áp dụng hình phạt tài chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép với bất kỳ website nào không tuân thủ quy định; phương tiện truyền thông phải chịu trách nhiệm về nội dung đã công bố; quy định mới có thể mở rộng phạm vi tới website cá nhân, website nước ngoài đăng tin tức về Singapore. Ðại diện MDA cho rằng, chính quyền sẽ tiếp tục “chính sách mềm” trong việc điều chỉnh internet, các blog sẽ không bị luật này điều chỉnh nếu không phải là các cổng thông tin. Sự kiện trên làm nhớ tới một số thông tin trên website Tiếng nói nước Nga gần đây. Ðó là việc ông Erdogan – Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận định dịch vụ blog cá nhân Twitter xâm hại sự bình yên của đất nước, là nguồn phát tán các thông tin sai lạc. Ông cho rằng: “Mạng xã hội gây bất an trong cộng đồng”. Hẳn đó cũng là lý do để cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Izmir đã bắt giữ 24 đối tượng bị tình nghi đã xúi giục bất ổn thông qua các mạng xã hội và tuyên truyền chống chính phủ. Tiếp đó, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Adana bắt giữ 13 blogger bị cáo buộc đã phát tán trên internet thông tin kích động lật đổ, chuẩn bị các hoạt động chủ ý phá hoại, lôi kéo dân chúng xuống đường. Cơ quan an ninh Adana cho rằng, nhóm blogger này “sử dụng các mạng xã hội để lan truyền những tuyên cáo kích động sự bất mãn và giận dữ”.

Có thể liệt kê rất nhiều sự kiện xảy ra trên internet và để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn cách đây không lâu một nhóm tin tặc đã xâm nhập và lấy cắp tài khoản Twitter của hãng AP để ngụy tạo thông tin về hai vụ nổ bom tại Nhà trắng khiến Tổng thống Obama bị thương! Lập tức bản tin chỉ gồm mấy chục chữ đã làm chao đảo thị trường chứng khoán Mỹ, làm thiệt hại ước tính lên tới 136,5 tỷ USD. Tương tự như vậy, một bản tin trên VTC News cho biết: “Những bài viết về nạn đói ở Triều Tiên do một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa lên gần đây là “không đúng sự thật”. Bilai Dersa Gaga, Phó văn phòng đại diện Tổ chức Nông lương thế giới – FAO tại Bình Nhưỡng đã khẳng định điều đó trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Itar – Tass của Nga. Ông nhấn mạnh: “Ở đây có tình trạng thiếu hụt lương thực nhưng tuyệt đối không có dấu hiệu của nạn đói”. Ông Bilai cho biết, truyền thông phương Tây thường sử dụng các nguồn tin giấu tên khi đề cập đến nạn đói ở Triều Tiên, những dữ liệu mà theo ông là “không đáng tin cậy” đồng thời khẳng định nhân viên FAO khi khảo sát tình trạng nông thôn Triều Tiên không phát hiện ra dấu hiệu nạn đói. Andrei Lankov, một nhà nghiên cứu Triều Tiên cách đây không lâu đã tuyên bố trên đài phát thanh Vesti FM: “Thông tin Triều Tiên đang đứng trước bờ vực nạn đói năm nào cũng được truyền thông phương Tây đưa ra”. Ông nhấn mạnh, tất cả đều là bịa đặt.
Quy định mới của Chính phủ Singapore, ý kiến của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ý kiến của đại diện FAO, và vô vàn ý kiến đánh giá, phê phán các hành vi tiêu cực được thực hành trên internet đã cho thấy khi một thành tựu khoa học công nghệ bị lạm dụng, bị sử dụng như công cụ phục vụ cho mục đích tiêu cực, có thể gây bất ổn trong cuộc sống xã hội, con người như thế nào. Do đó, vì đời sống tinh thần lành mạnh của con người, vì trật tự xã hội và an ninh quốc gia, vì sự ổn định để phát triển đất nước,… dưới các hình thức khác nhau, nhiều chính phủ đã có biện pháp mềm dẻo nhưng kiên quyết để chấn chỉnh các hoạt động trên internet. Với Việt Nam, trong những năm qua, sự ra đời của các website, blog, diễn đàn trên internet như là phương tiện đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người, nhưng cũng bị các thế lực thù địch, một số cá nhân thiếu thiện chí lạm dụng, biến thành phương tiện truyền bá các tin tức có thể tác động xấu tới nhận thức của xã hội, con người. Một số trang mạng đã vượt qua giới hạn là nơi giao lưu, tâm sự, thể hiện sở thích cá nhân,… để trở thành trang điện tử đăng tải tin tức, bình luận thất thiệt, thậm chí khai thác bài vở từ các địa chỉ truyền thông chống cộng, mà nổi lên trong đó là thủ đoạn xuyên tạc, đổi trắng thay đen, bịa đặt. Các trang mạng này được website của BBC, VOA, RFA, RFI,… và các trang điện tử của các thế lực chống cộng cực đoan ở nước ngoài cổ súy, khai thác, từ đó tạo dựng nên một “trận đồ bát quái” về thông tin, nhằm đầu độc, lừa mị người tiếp xúc.

Cách đây ít ngày, trong bài viết đăng trên Người Việt online, tác giả Vũ Ánh cho biết ảnh trang bìa tuần báo Time số tuần đầu tiên tháng 6 là ảnh chụp lốc xoáy ở Oklahoma; nhưng cũng số này, trong cộng đồng mạng lại xuất hiện một ảnh bìa khác với hình Nguyễn Phương Uyên trước vành móng ngựa! Và tác giả viết: “Thú thực, vốn là người không biết, không hiểu gì về photoshop và dù trước mặt có số báo Time tuần này đề ngày 3-6-2013, nhưng tôi cũng giật mình: Người không bao giờ nhìn thấy hay biết về tờ tuần báo thời sự này sẽ không nhận ra thế nào là thật, thế nào là giả”. Cũng tại nước Mỹ, từ ngày trang kbchn.net trở thành địa chỉ đăng tải tin tức, hình ảnh trung thực về đất nước và con người Việt Nam, do ông Nguyễn Phương Hùng – người Mỹ gốc Việt, thực hiện, các thế lực chống cộng tại Mỹ tìm mọi cách từ tẩy chay, vu cáo đến xuyên tạc, lăng mạ nhằm làm mất uy tín của ông. Ngày 30-5, trên kbchn.net, ông Nguyễn Phương Hùng cho biết: nhóm chống cộng cực đoan hải ngoại đã giả dạng lập một trang blog có tên na ná như trang kbchn.net và ông coi đó là một “việc làm vô liêm sỉ”! Gần đây hơn, trên diễn đàn của mấy kẻ tự nhận là “người yêu nước”, đã công bố bức ảnh một người đang nằm dưới đất, có nhiều công an đứng quanh rồi khẳng định “công an sử dụng bạo lực, đàn áp dân”! Thật ra đây là hình ảnh xảy ra trong vụ va chạm giữa cổ động viên hai đội bóng Sông Lam Nghệ An và Xi-măng Hải Phòng trên sân Vinh… Về sự giả mạo này, có lẽ cần phải nhắc lại chuyện năm 2008, Hà Nội mưa to, chính quyền huy động xe lội nước quân sự để cứu giúp dân. Cái gọi là “Ðài truyền hình SBTN” của người Mỹ gốc Việt liền chộp lấy những bức ảnh đã phát trên mạng về sự cứu giúp này để làm phóng sự có nhan đề… “đảo chính ở Hà Nội”, một số diễn đàn điện tử vội vàng phát tán, đưa lên youtube! Tương tự, sau khi một số trang điện tử cá nhân đăng tin bịa đặt thông tin về một đồng chí lãnh đạo của TP Hà Nội, một người là Lam Trực đã viết trên internet coi đó là “đáng xấu hổ và là hành động vô lương”.

Sự phát triển của internet đã đem tới rất nhiều tiện ích cho cuộc sống con người. Tuy nhiên cũng như mọi thành tựu văn minh khác, việc sử dụng internet như thế nào trước hết vẫn phụ thuộc vào con người. Nói cách khác, dù internet là thành tựu to lớn đến đâu thì việc sử dụng cũng không thể vượt qua khuôn khổ của giá trị con người, giá trị xã hội. Loài người đã được chứng kiến quá nhiều hậu quả của việc lạm dụng các thành tựu khoa học để phục vụ mục đích phi nhân tính, mà hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 là bài học không thể lãng quên. Ngày nay, mối đe dọa từ internet đang là một thực tế. Ngày 31-5-2013, trả lời các nhà báo trên chuyến bay tới Singapore dự Ðối thoại an ninh Shangri-La, ông Chuck Hagel – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đã cho rằng các cuộc tấn công mạng là “sự đe dọa một cách âm thầm, lén lút, và xảo quyệt đối với nước Mỹ cũng như các nước khác… Những cuộc xung đột trên mạng có thể dẫn tới hậu quả âm ỉ, lặng lẽ nhưng rất nguy hiểm, từ việc đánh sập lưới điện cho tới phá hoại hệ thống tài chính hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ. Ðây không phải là mối đe dọa đối với riêng Hoa Kỳ, mà còn ảnh hưởng tới tất cả những nước khác”. Ðó là vấn đề đối với an ninh, với sự tồn vong của một đất nước. Còn đối với con người, sự thiếu ý thức trong sử dụng internet có thể đưa tới hậu quả khôn lường, vì thế việc quản lý internet theo pháp luật đang trở thành yêu cầu tất yếu ở mọi quốc gia. Ông Yaacob Ibrahim – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore, khi trả lời phỏng vấn của Reuters, đặt câu hỏi: “Các phương tiện truyền thông của chúng tôi là đối tượng hoạt động theo những quy định. Vậy tại sao phương tiện truyền thông trực tuyến không là một phần trong khuôn khổ pháp lý này?”.

Theo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.