Nâng cao năng lực thích ứng xâm nhập mặn cho đồng bào Khmer
Sau gần 1 năm thực hiện, dự án Nâng cao ý thức của cộng đồng người Khmer về bảo vệ môi trường và năng lực thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu ở Hậu Giang, đã góp phần thay đổi nhận thức của các hộ gia đình Khmer về ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại xâm nhập mặn trong sinh hoạt và sản xuất, tận dụng được nước mưa làm nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh.
Dự án có kinh phí trên 300 triệu đồng, do chương trình Học bổng Australia “Vì sự phát triển của Việt Nam” tài trợ, được thực hiện tại tỉnh Hậu Giang từ đầu năm 2015. Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ được chọn để đầu tư các công trình, do đây là địa phương có đông đồng bào Khmer và chịu sự tác động mạnh của xâm nhập mặn, cũng như biến đổi khí hậu.
Tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu cho đồng bào Khmer.
Đây cũng là xã vùng sâu, vùng xa, nên đồng bào Khmer ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin, cũng như tiếp cận với các giải pháp về xâm nhập mặn, thích ứng biến đổi khí hậu. Tham gia dự án, đồng bào Khmer địa phương được tham gia các lớp tập huấn về tác hại của xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, những giải pháp mà người dân có thể tự thực hiện tại gia đình. 5 hộ gia đình Khmer có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, 20 hộ được lắp đặt hệ thống dự trữ nước mưa dùng trong sinh hoạt gia đình, tổ chức cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường dành cho học sinh Khmer của xã.
Hộ bà Thị Cúc là gia đình Khmer khó khăn tại xã Lương Nghĩa, sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh và bất tiện cho sinh hoạt của các thành viên gia đình, cũng như khách đến nhà. Từ khi được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, sinh hoạt gia đình bà có nhiều thay đổi, đảm bảo vệ sinh, nhận thức về vấn đề vệ sinh của gia đình cũng được nâng cao, mọi người thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, trồng cây xanh, chăm lo làm ăn để có kinh phí đầu tư hệ thống nước sạch sử dụng trong gia đình cũng như sửa chữa nhà kiên cố trong thời gian tới.
Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn cho gia đình đồng bào Khmer khó khăn.
Trước đây, gia đình bà Thị Sụm dùng nước kênh, rạch để tắm giặt và nước giếng bơm để ăn uống, nên vào mùa khô, việc sử dụng nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Được dự án đầu tư hệ thống dự trữ nước mưa, gia đình bà có nước sạch sử dụng quanh năm và cảm thấy thuận tiện, yên tâm hơn khi sử dụng nước từ hệ thống lọc và dữ trự nước mưa.
Bí thư Đảng ủy xã Lương Nghĩa, Trần Văn Trung cho biết: Từ việc hỗ trợ hệ thống dự trữ nước mưa cũng như xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho một số hộ gia đình ban đầu đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đồng bào Khmer. Từ đây, xã sẽ tiếp tục vận động các gia đình xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng hệ thống dự trữ nước mưa, dọn dẹp cảnh quan môi trường, đầu tư hố xử lý rác gia đình để hoàn thành tiêu chí môi trường trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã Lương Nghĩa.
Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN-Báo Tin tức