Nâng cao đời sống đồng bào Khmer
Những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, nhận thức của các cấp, các ngành tỉnh Kiên Giang đối với công tác dân tộc có sự chuyển biến rõ rệt.
Nhờ các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đồng bào, đời sống của bà con dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang đã được cải thiện.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện.
Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thông qua các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc, tập trung ở 8 xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, trong đó có 5 xã thuộc huyện vùng biên Giang Thành, xã Nam Thái (huyện An Biên), xã Thạnh Yên A (huyện U Minh Thượng) và xã Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng).
Các xã này được sử dụng tổng hợp các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất như xây dựng cầu, đường nông thôn, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch, vệ sinh môi trường…Nhờ vậy, đến cuối năm 2016, qua kiểm tra, các xã Nam Thái, Thạnh Yên A và Vĩnh Phú có thể ra khỏi Chương trình 135 trong năm 2017. 5 xã thuộc huyện Giang Thành có các nguồn vốn quốc phòng xây dựng cầu, lộ gắn với dân sinh, nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Năm 2016, thông qua các chương trình, dự án, các chính sách từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, Kiên Giang đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc Khmer với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cho 11.125 lượt hộ đồng bào dân tộc Khmer vay gần 474 tỷ đồng phát triển sản xuất; bố trí 19 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 10.000 hộ đồng bào; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án cung cấp điện cho 2.431 hộ đồng bào Khmer với số vốn 45 tỷ đồng…Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer từ 10.124 hộ, chiếm 19,88% cuối năm 2015, đến đầu năm 2017 còn 8.724 hộ, chiếm 15,64%.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục đã có nhiều tiến bộ. Năm 2016, Trường dân tộc nội trú huyện Gò Quao được xây dựng mới với vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện An Biên có vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng đã được đưa vào hoạt động, giúp con em dân tộc Khmer ở 4 huyện vùng U Minh Thượng được học tập tốt hơn. 96% học sinh là con em dân tộc Khmer đến trường. Bên cạnh đó, các Trường phổ thông dân tộc nội trú, những điểm trường có đông học sinh dân tộc Khmer và ở các chùa trong dịp hè được quan tâm dạy và học chữ Khmer nhiều hơn. Năm 2016, Kiên Giang đã hỗ trợ dạy chữ Khmer trong dịp hè với kinh phí 600 triệu đồng. Qua đó, các địa phương trong tỉnh đã mở 293 lớp với 7.033 sư sãi, con em đồng bào theo học.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc Khmer được các cấp ủy quan tâm. Năm 2016, tỉnh đã phát triển mới 49 đảng viên người dân tộc Khmer, nâng tổng số đảng viên là người dân tộc Khmer lên 2.843 đảng viên, chiếm 5,68% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Đồng bào dân tộc Khmer luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.
Lê Sen/TTXVN – Báo tin tức
http://baotintuc.vn/dan-toc/nang-cao-doi-song-dong-bao-khmer-20170412074146112.htm