Kiên Giang tạo diện mạo mới giao thông nông thôn
Tỉnh Kiên Giang đang phấn đấu đến năm 2020 xây dựng khoảng 1.420 km đường, vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng, đạt trên 80% các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, đặc biệt là ở các xã giáp biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng giao thông nông thôn; khuyến khích, vinh danh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng giao thông nông thôn.
Xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư những tuyến đường liên ấp, liên xã huyết mạch ở các vùng sản xuất trọng điểm để vừa tạo ra sự đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông vừa kích thích sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả. Đồng thời, làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng gặp nhiều khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Huy động mọi nguồn lực để làm đường giao thông, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
“Ngành giao thông vận tải xác định tập trung vào các dự án, công trình ưu tiên, phân kỳ đầu tư hợp lý về khả năng huy động vốn trong xây dựng giao thông nông thôn, không đầu tư dàn trải, gây lãng phí, nợ đọng, kém hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình, chi phí đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đóng góp của cộng đồng xã hội. Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình giao thông nông thôn để năm 2016 xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 380 km đường giao thông”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết.
Việc cứng hóa đường giao thông nông thôn đã tạo một diện mạo mới về hạ tầng giao thông toàn tỉnh. Hiện nay, 100% số xã trong đất liền có đường nhựa hoặc bê tông về đến trung tâm. Đường ấp, liên ấp và kết nối liên xã hiện có hơn 60% các tuyến nông thôn đã được bê tông hóa.
Người dân góp công, của để làm đường giao thông.
Hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí vùng khó khăn, có đông đồng bào Khmer sinh sống, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN-Báo tin tức