Hậu quả biến đổi khí hậu

Trong tháng 3/2013, nhiều đô thị ở Bắc bán cầu đã bị bão tuyết tấn công dữ dội. Bão tuyết đã trở thành cơn ác mộng làm đảo lộn cuộc sống, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, đường phố ở các nước Nga, Ukraina, Belarus… bị ngập trong lớp tuyết dày. Bão tuyết được ghi nhận liên tục và nhiều ngày ở Moscow và thủ đô của Ukraina . Chính phủ đã phải điều động xe bọc thép quân sự kéo các xe buýt, xe điện bị kẹt trong tuyết.

Ở Nga trong tuần trước, tuyết rơi mạnh trên khu vực Kamchatka và Siberia. Lực lượng cứu hộ đã phải nhận thêm công việc dọn tuyết các tuyến đường cao tốc để giải cứu phương tiện giao thông bị tuyết chặn lối.

Bức tranh thời tiết những ngày gần đây ở Bắc bán cầu không mấy khác nhau: tuyết làm tê liệt giao thông ở Nhật Bản, ở các nước châu Âu, Mỹ và Canada.

Một số nhà khoa học tiếp tục khẳng định rằng bão tuyết dồn dập tấn công các đô thị ở Bắc bán cầu trong thời gian qua là biểu hiện sự biến đổi khí hậu trên Trái đất.

Ông Pavel Konstantinov, giảng viên Phòng Khí tượng và Khí hậu học Khoa Địa lý, Đại học Tổng hợp Moscow (MGU) cho biết nguyên nhân là những luồng khí xoáy mạnh đang vây bọc phía Bắc hành tinh. Những cơn khí xoáy tụ với tương phản mạnh về nhiệt độ, dẫn tới lượng mưa lớn. Không khí ấm gặp luồng khí rất lạnh khiến tuyết bắt đầu rơi. Có thể nói lượng tuyết rơi ở Moscow trong tháng 3/2013 là bất thường. Tại khu vực đài quan sát MGU có nơi tuyết dày tới 80 cm. Đây là hiện tượng chưa hề thấy trong 55 năm qua.

Vấn đề ở chỗ, tình hình thời tiết được coi là bất thường sẽ diễn ra mạnh hơn và thường xuyên hơn, không chỉ biểu hiện bằng tuyết rơi, mà cả các trận mưa, bão và biến động nhiệt độ.

Các nghiên cứu cho rằng đó là ảnh hưởng sự nóng lên toàn cầu.

Từ đầu thế kỷ trước đến nay, nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng lên 1 độ C. Điều này có nghĩa sự gia tăng rất lớn tổng số năng lượng nhiệt được lưu trữ trong bầu khí quyển và đại dương. Ông Konstantinov cho biết ước tính sơ bộ cho thấy xác suất mùa hè nóng tại một số khu vực đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua.

Do sự phân bố nhiệt độ không đều của hành tinh nên khả năng khí hậu bất thường như hạn hán, gió bão và tuyết rơi với nhiệt độ thấp là rất lớn.

Năm 2012 là một năm đáng nhớ. Vào mùa hè, một loạt quốc gia trên thế giới đã trải qua nạn hạn hán chưa từng có. Tháng 10/2012, bão Sandy đổ bộ vào Mỹ. Sau đó 1 tháng, bão Bofa tấn công Philippines. Ảnh chụp từ vũ trụ cho thấy diện tích băng ở Bắc Cực giảm với mức kỷ lục. Như vậy, biến đổi khí hậu đang hiện hữu khắp nơi trên địa cầu./.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.