Giới chuyên gia lạc quan về tương lai của các rạn san hô trên thế giới
Hiện tượng các rạn san hô bị tẩy trắng có thể sẽ giảm bớt sau 3 năm nhiệt độ các đại dương tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian xảy ra hiện tượng này lâu nhất, kể từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay.
Thông báo ngày 19/6 của Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết dữ liệu thu được qua ảnh mây vệ tinh và một số phân tích cho thấy không còn nguy cơ hiện tượng san hô bị tẩy trắng lan rộng ra cả Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Các chuyên gia nhận định đây là một tín hiệu tích cực cho thấy hiện tượng này có thể được “xóa sổ.”
Nhóm chuyên gia NOAA khẳng định sẽ theo dõi sát nhiệt độ bề mặt nước biển và hiện tượng tẩy trắng san hô trong 6 tháng tới để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này.
Kể từ năm 2015, tất cả các rạn san hô ở các vùng biển nhiệt đới đều đã chứng kiến mức tăng nhiệt bất thường của nước biển và hơn 70% rạn san hô bị tẩy trắng. Các rạn san hô ở các vùng biển thuộc Mỹ là “nạn nhân” chịu hậu quả nặng nề nhất với việc 2 năm liên tiếp hiện tượng nghiêm trọng này xảy ra ở Florida và Hawaii, tiếp đến là tại quần đảo Mariana và đảo Guam.
Theo chuyên gia điều phối giám sát rạn san hô của NOAA, Mark Eakin, hiện tượng tẩy trắng san hô nói trên đã xảy ra trên diện rộng chưa từng có trong một thời gian dài, với mức độ hủy diệt có lẽ là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Thông thường, những rạn san hô “khỏe mạnh” có tác dụng bảo vệ các khu vực bờ biển khỏi bão và mang tới cho cư dân nhiều nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khi có thể phục hồi sau quá trình bị tẩy trắng ở mức độ nhẹ, nặng hoặc trong một thời gian dài, thì các rạn san hô này thường trở nên độc hại.
Hồi đầu năm nay, nhiệt độ nước biển gia tăng đã gây hiện tượng tẩy trắng đáng kể đối với rạn san hô Great Barrier ở Australia trong năm thứ 2 liên tiếp và đối với rạn san hô ở vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.
Các rạn san hô ngầm là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng và hữu ích nhất của ngành du lịch và giúp duy trì nghề cá. Hiện tượng bị tẩy trắng – xảy ra khi xuất hiện các điều kiện bất thường như nhiệt độ nước biển ấm hơn khiến các vỉa san hô phải đẩy tảo sống ra khỏi cơ thể mình, dẫn tới bị vôi hóa và chuyển sang màu trắng./.