Giảm lệ phí trước bạ ô tô mang lại lợi ích kép
Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô từ ngày 1/4 mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp, thể hiện cách điều hành chính sách linh hoạt của Chính phủ được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và ủng hộ.
Kể từ ngày 1/4/2013, theo quy định tại Nghị định số 23/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức lệ phí trước bạ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10% (quy định cũ 10-20%).
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Góp phần tháo gỡ bài toán “xe chính chủ”
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đây là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có giải pháp về lệ phí trước bạ.
Thay đổi nổi bật nhất từ chính sách này, theo bà Cúc, đó là tất cả mọi người đều cảm nhận được bằng số liệu thống kê thực tế là số lượng người đến làm thủ tục liên quan đến việc sở hữu, sử dụng phương tiện, đăng ký trước bạ xe ô tô mới hoặc lần thứ 2 tại các phòng Cảnh sát giao thông, phòng thu lệ phí trước bạ tại các tỉnh thành phố, tăng lên đột biến (đặc biệt là TP. Hà Nội). Có nơi tăng gấp trên 4 lần so với trước khi có chính sách giảm lệ phí trước bạ.
Về lợi ích kinh tế của việc giảm lệ phí trước bạ, bà Cúc đưa dẫn chứng: Nếu xe có giá mua 1 tỷ đồng thì lệ phí trước bạ đối với xe mới được giảm 50 triệu đồng, đối với xe cũ giảm 100 triệu đồng… đó là số tiền không nhỏ đối với người dân.
Không những thế, việc giảm lệ phí trước bạ lần này đã góp phần hỗ trợ, “hâm nóng” thị trường ô tô trong nước; góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh ô tô và đã tháo gỡ cho bài toán “xe chính chủ”.
Bởi thế, bà Cúc nhận định: Có thể khẳng định rằng việc giảm phí đã mang lại lợi ích kép lớn lao ở nhiều phương diện: Thị trường ô tô khởi sắc, tạo thuận lợi cho người mua xe cũ làm sớm các thủ tục sang tên, nộp lệ phí trước bạ để trở thành chủ nhân thực sự tài sản của mình; góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước thông qua tăng số lượt người làm thủ tục sang tên đổi chủ, tăng cường quản lý hành chính phương tiện và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người sở hữu tài sản.
Tuy nhiên bà Cúc cũng chia sẻ, để doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn, hồi phục và tiếp tục phát triển thì bên cạnh gói giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ thị trường…, vấn đề sử dụng nguồn nhân lực, vật lực hợp lý, hiệu quả; vấn đề tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, chi tiêu công, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ… chính là yếu tố nội lực để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nước nhà vượt qua khó khăn, nhanh chóng phát triển.
(Chinhphu.vn)