ĐBSCL: Liên kết 4 nhà hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Nhà nước vận động các doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học nghiên cứu phục vụ sản xuất của người nông dân.
Chiều 9/11, tại TP Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tạo mối liên kết bốn nhà, tạo chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật về nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng năng xuất chất lượng
ĐBSCL có diện tích đất tự nhiên khoảng 3 triệu ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản, chiếm 30% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Nhờ ứng dụng các thành tựu kỹ thuật vào sản xuất nên hằng năm, ĐBSCL sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, cung cấp hơn 52% lượng thủy sản, đạt trên 60% kim ngạch xuất khẩu và hơn 70% sản lượng trái cây cả nước.
Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của ĐBSCL hiện nay còn hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa phát huy được tiềm năng to lớn của vùng, sản phẩm làm ra chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường thế giới….
Để ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển cả diện rộng lẫn chiều sâu, tại hội thảo các nhà khoa học đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiềm lực khoa học và công nghệ phát triển; tăng cường phổ kiến những kiến thức, thông tin khoa học mới về chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân; xây dựng thương hiệu và các giải pháp tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dịp này, các doanh nghiệp, các nhà nông còn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học có hiệu quả trong sản xuất như: mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, Global gap; các quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải – 5 giảm”… Đặc biệt là các sáng chế của nông dân ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Cao Văn Tám, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ – nông dân điển hình trong sáng chế máy nông cụ đưa vào sản xuất cho biết, trước thực trạng đồng đất không cải tạo được đường nước sâu, khi sạ lúa nếu thoát nước chậm sẽ hao lúa. Từ đó ông có ý tưởng thiết kế chiếc máy đào vét đường nước hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lúa.
Với quan điểm đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất là giải pháp nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân ĐBSCL, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kinh phí cho các đề tài nguyên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn; vận động các doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu…
PGS.TS. Trần Thị Ba, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, trong phát triển cần quan tâm đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Ở Việt Nam đã hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao trong đó trồng rau trong điều kiện có bảo vệ, có mái che, trồng trong nhà màng lưới ni lon để khống chế mưa gió khống chế côn trùng… đưa sản lượng nông nghiệp đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng, an toàn. Những mô hình thực nghiệm thành công này sẽ giúp bà con nông dân học hỏi cũng như những doanh nghiệp có điều kiện hợp tác cùng nông dân sản xuất những sản phẩm như thế. Nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có thể sánh vai bằng với nền nông nghiệp thế giới”, PGS.TS. Trần Thị Ba khẳng định./.
VOV