Các địa phương khẩn trương đối phó với bão số 5
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6h00’ ngày 03/8, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.894 phương tiện, lồng bè nuôi, trồng thủy sản/213.716 người biết diễn biễn của bão để chủ động phòng tránh.
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã thực hiện cấm biển từ ngày 02/8/2013.
Lượng mưa đo được từ 19h ngày 02/8 đến 07h sáng nay 03/8 tại các tỉnh Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến dưới 50 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Chi Nê (Hòa Bình) 62mm, Cô Tô (Quảng Ninh) 71mm, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 53mm, Ninh Bình (Ninh Bình) 62mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 72mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 62mm.

Mực nước sông Thao, sông Lô và hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang xuống. Mực nước thực đo lúc 07h ngày 03/8 trên sông Hồng tại Hà Nội là 5,86 m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 2,78 m.
Dự báo, trong 2 ngày mồng 3 và 4/8, trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn, với biên độ lũ lên từ 3 đến 5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ ở thượng lưu các sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Thao, sông Lô có khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3; ở hạ lưu lên trên mức báo động 1. Lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng lên trên mức báo động 3.
Còn tại mực nước sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 01/8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,14m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,62m.
Dự báo trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 06/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,55m, tại Châu Đốc lên mức 2,05m.
Về phía các địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã có công điện chỉ đạo đối phó với bão số 5.
Tại Thanh Hóa, từ rạng sáng ngày 3/8, do ảnh hưởng của bão số 5, địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ở các huyện ven biển gió đã mạnh dần lên cấp 5, cấp 6.
Để hạn chế thiệt hại do bão gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu sau bão, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương án sơ tán dân, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, vật dụng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, giảm thiểu thiệt hại về người và của cho nhân dân. Tỉnh cũng có công điện khẩn chỉ đạo tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi phải chủ động kiểm tra và triển khai ngay các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Tỉnh Thanh Hóa thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các địa bàn, các đoạn đê xung yếu và yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, sẵn sàng sơ tán người, tài sản ở vùng mép nước, nội đê khi nước sông, biển dâng cao; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, nhất là các hồ đang có sự cố; tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các địa phương chủ động biện pháp tiêu úng, thoát lũ để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu khi xảy ra mưa lớn kéo dài.
Tại tỉnh Thái Bình, đến thời điểm này, toàn bộ gần 1.200 tàu thuyền với hơn 3.000 lao động đang hoạt động, khai thác thủy, hải sản của tỉnh Thái Bình đã được di chuyển về nơi trú ẩn an toàn. 100% các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn đang được vận hành hết công suất kết hợp mở các cống để hạ mực nước trong toàn hệ thống nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng lúa và hoa màu. Các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành việc gia cố lại 3 điểm đê trọng yếu của tuyến đê quốc gia thuộc tuyến đê biển số 5.
Theo phương châm 4 tại chỗ, tại các xã, phường, thị trấn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn cho người, và tài sản. Tuy nhiên, do đây là thời điểm thuận lợi cho đánh bắt thủy sản, nên nhiều địa phương ven biển vẫn xuất hiện tình trạng, người dân tại các chòi nuôi thủy sản chống đối di chuyển vào khu vực trong đê, bằng cách vẫn trốn ra biển tranh thủ đánh bắt khi bão chưa đổ bộ.
Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban phòng chống lụt bảo tỉnh, cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các tiểu ban cứu hộ, cứu nạn và bộ đội biên phòng có biện pháp cưỡng chế quyết liệt để đưa người dân tại các chòi nuôi thủy sản ngoài biển vào bờ đến khi bão tan.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống bão.
Theo Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, tỉnh Hà Tĩnh có 96 tàu đánh cá, câu mực với 672 lao động đã vào trú ẩn ở Quảng Ninh và Hải Phòng; 4 tàu với 40 lao động làm nghề lặn vào trú ẩn an toàn ở Bình Thuận và Đà Nẵng. Còn lại, 3.780 thuyền đánh bắt cá ven bờ từ tỉnh Nghệ An đến Hà Tĩnh với trên 13.000 lao động cũng đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn yêu cầu tất cả 12 huyện thị xã và các đơn vị chủ động kế hoạch phòng chống cơn bão số 5. Tại các hồ chứa nước Sơn Kim, Kẽ Gồ, Bộc Nguyên, sông Rác và các hồ chức nước thủy điện Hố Hô, Hương Sơn, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tiến hành kiểm tra và đảm bảo vận hành tốt các cống, tràn xã lũ, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tại các tuyến đê Hội Thống, đê La Giang, Cẩm Lĩnh và các kè biển đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng cứu kịp thời khi có sự cố. Đối với các huyện vùng núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang cần đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các huyện vùng trũng như Đức Thọ, Can Lộc chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.
Tính đến 15h ngày 2/8, toàn bộ 460 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long trong đó có 155 tàu nghỉ đêm đã vào các điểm tránh, trú bão theo đúng quy định. Hơn 1.500 khách du lịch đăng ký các tour tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long cũng đã được các Công ty du lịch đã thay đổi chương trình nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Đại tá Vũ Hải Sản, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là lực lượng trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn, đến nay Bộ Chỉ huy đã huy động 450-500 chiến sỹ cùng với thị xã Quảng Yên chủ động đối phó với bão số 5. Cùng với đó, đơn vị đã huy động 1 xe tải, 1 xe ca, 1 tàu cứu hộ và 20 phao bè để đối phó với tình huống xấu xảy ra trong bão. Thị xã cũng đã thông báo cho trên 4.000/4.385 phương tiện đánh bắt thủy sản về nơi trú ẩn an toàn; thông báo và kêu gọi các hộ dân tại các đầm nuôi trồng thủy sản lên bờ.
Quảng Ninh yêu cầu toàn bộ người dân ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, làng chài trên vịnh, khu vực đê, kè có nguy cơ sạt lở, ngập lụt phải được di dời đến nơi an toàn trước 8h ngày 3/8. Chậm nhất đến 16h ngày 3/8, tất cả các tàu, thuyền phải được neo đậu tại các điểm tránh trú bão.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần khẩn trương kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn, có phương án gia cố kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng, chủ động khơi thông hệ thống thoát nước tránh gây sạt lở bùn, đá, ngập lụt xuống các khu dân cư.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nam Định khẩn trương triển khai đối phó với bão số 5 bằng việc tổ chức các đoàn công tác xuống các địa bàn kiểm tra, đôn đốc công tác đối phó với bão; Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và tổ chức neo đậu tàu thuyền; sơ tán dân trên các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, các khu du lịch, khu dân cư trên các đảo và ven biển có nguy cơ bị sự cố;
Kiểm tra và gia cố những trọng điểm đê điều xung yếu, đặc biệt là các đoạn đê biển bị sự cố trong trong cơn bão số 2; bố trí vật tư, lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu; Thực hiện bơm tiêu rút nước đệm trên toàn hệ thống;
Các tỉnh miền núi phía Bắc đã huy động lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và vùng hạ du./.
(Theo dangcongsan)