Thi THPT quốc gia: Phải rất xuất sắc mới đạt điểm 10 môn Toán

Đánh giá khá cao đề thi môn Toán năm nay, các giáo viên nhận định đề có sự phân loại thí sinh cao và khá hay vì có một số câu hỏi lạ. Theo đó, thí sinh phải rất xuất sắc mới có thể đạt điểm tối đa.

thi_sinh_thiThí sinh rời trường thi sau khi kêt thúc môn Toán sáng nay, 1/7. (Ảnh: Việt Phương/Vietnam+)

Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên bộ môn Toán tại Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng đề bám sát chương trình, với học lực khá, thí sinh có thể dành được 7 điểm. Học sinh học lực giỏi có thể dành được 8 hoặc 9 điểm. “Nhưng điểm 10 thì phải những học sinh thực sự xuất sắc mới có thể đạt được,” thầy Tùng cho biết.

Đề thi có một số điểm khá lạ so với mọi năm như câu hỏi khảo sát ở vị trí số 2 thay vì luôn ở đầu như thường thấy. Câu hỏi số 6 khá thú vị khi mang tính thực tiễn cao: “Học sinh A thiết kế bảng điều khiển điện tử mở cửa phòng học của lớp mình. Bảng gồm 10 nút, mỗi nút được ghi một số từ 0 đến 9 và không có hai nút nào được ghi cùng một số. Để mở cửa cần nhấn liên tiếp ba nút khác nhau sao cho ba số trên ba nút đó theo thứ tự đã nhấn tạo thành một dãy số tăng dần và có tổng bằng 10. Học sinh B không biết quy tắc mở cửa trên, đã nhấn ngẫu nhiên liên tiếp ba nút khác nhau trên bảng điều khiển. Tính xác suất để B mở được cửa phòng học đó”.

“Đặc biệt, câu hỏi về tham số ở câu số 10 đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ của thí sinh,” thầy Tùng nói.

de_thi_3Đề thi môn Toán. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Đề thi hay cũng là nhận định của thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên môn Toán, Trung tâm Tuyensinh247.com.

Theo thầy Chí, đề thi năm nay có cấu trúc khác với đề thi mọi năm, đã xuất hiện một số câu hỏi và dạng bài mới, ví dụ như ý b câu 1 và ý b câu hình không gian, và ở câu số 10.

Đề vẫn tiếp tục được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với độ phân hóa cao. Câu dễ thì rất dễ, nhưng các câu khó thì khá lạ so với năm 2015.

Cụ thể, ở câu hỏi số 6 về xác suất không còn dạng bài áp dụng công thức kiểu học vẹt mà đòi hỏi thí sinh cần liệt kê theo một cách khoa học.

Ở câu hình không gian, lần đầu tiên xuất hiện một câu hỏi về sự chứng minh thay vì những câu tính toán khoảng cách như các năm trước. Tuy vậy, cách làm không có sự thay đổi, đòi hỏi cần kết hợp tốt giữa hình học lớp 11 và lớp 12.

Để giải quyết được câu số 8, thí sinh cần những kiến thức hình học nâng cao, không còn những dạng bài thiên về giải tích. Đây có lẽ là một trong những câu khó nhất trong đề năm nay.

Với câu số 9, không còn những thủ thuật sử dụng máy tính casio để giải phương trình mà đòi hỏi thí sinh cần phải quan sát và có phản xạ tốt về phương trình vô tỷ ở lớp 10, kết hợp với phương trình logarit lớp 12. Theo thầy Chí, đây là một câu hỏi rất hay.

Câu số 10 được xem là khó nhất của đề và lần đầu tiên xuất hiện 2 ý nhỏ trong một câu phân loại thủ khoa, thay vì chỉ có một ý xác định giá trị lớn nhất hay nhỏ nhất như mọi năm. Nhờ vậy, học sinh có thể lấy được những phần điểm nhỏ trong câu này.

“Nhìn chung, đề đã làm rất tốt trong việc phân hóa giữa học sinh xét tốt nghiệp với học sinh thi đại học tầm trung và học sinh thi đại học tầm cao,” thầy Chí nói./.

VietnamPlus

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.