Xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 cho phép thí sinh tăng số trường đăng ký cả trong đợt xét tuyển đầu tiên và các đợt xét tuyển bổ sung.
So với năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT Quốc gia, năm nay, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục – Đào tạo có rất nhiều điểm mới được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, những điểm đổi mới năm nay cũng yêu cầu thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển để chọn đúng ngành nghề mình yêu thích.
Bên cạnh những thay đổi liên quan đến việc điều chỉnh chỉ tiêu cho các khối thi truyền thống, việc sửa ưu tiên khu vực, quy định làm tròn điểm đến 0,25 điểm, bỏ ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc cao đẳng được các trường đại học cũng như thí sinh quan tâm nhất hiện nay trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 là việc đổi mới cách thức tuyển sinh và nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia
Về đăng ký nguyện vọng, sự điều chỉnh của Bộ GD-ĐT năm nay cho phép thí sinh tăng số trường đăng ký cả trong đợt xét tuyển đầu tiên và các đợt xét tuyển bổ sung. Điều này góp phần kéo giảm tình trạng “chọn đại” ngành học để đậu đại học như năm 2015.
Tuy nhiên, vì năm nay thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường và ngành mà mình đã đăng ký nên khó tránh khỏi tình trạng hồ sơ ảo của nhiều trường đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Sự cải tiến của năm 2016 này dung hòa cả hai khi cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và 2 ngành đó ở 2 trường có thể trùng nhau. Nhờ vậy, việc chọn ngành theo sở thích và nguyện vọng của các em học sinh được nâng cao hơn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vấn đề cốt lõi của năm 2016 là các trường đại học phải giải quyết vấn đề trúng tuyển ảo sao cho tình trạng xét tuyển không quá lộn xộn”.
Khi công bố dự thảo đổi mới quy chế năm 2016, Bộ Giáo dục – Đào tạo dự kiến thay hình thức nộp hồ sơ trực tiếp của năm 2015 bằng hình thức trực tuyến, giữ nguyên hình thức nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Nhưng sau một thời gian lắng nghe ý kiến dư luận, Bộ đã kịp thời bổ sung thêm một nội dung sửa đổi vào quy chế mới ban hành. Theo đó, bên cạnh 2 hình thức xét tuyển đã công bố, các trường có thể tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh với điều kiện “không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội”.
Ngay lập tức, nội dung đổi mới này nhận được sự tán thành của nhiều trường đại học tại TP HCM. Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM nói: “Đây là một nét mới. Theo tôi, mục tiêu lớn nhất của việc đổi mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo năm nay là giúp cho thí sinh và phụ huynh bớt đi lại, bớt căng thẳng trong khâu nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng”.
Ngoài những thay đổi theo hướng có lợi, quy chế tuyển sinh năm nay cũng yêu cầu thí sinh phải thật cẩn trọng trong việc chọn ngành nghề, làm hồ sơ. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TP HCM cho rằng, bên cạnh việc phải cân nhắc kỹ để chọn được một ngành học đúng nguyện vọng, năng lực và sở trường, năm nay, các thí sinh cũng cần đặc biệt lưu ý đến khâu kỹ thuật khi đăng ký xét tuyển.
Theo đó, ở đợt xét tuyển đầu tiên, Quy chế của Bộ Giáo dục – Đào tạo năm 2016 quy định, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển ở 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Vì thế, nếu thí sinh nào đăng ký vượt số trường cho phép thì coi như sai quy chế. Sai sót này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh không được vào trường đại học mà mình mong muốn dù điểm thi cao.
Tiến sĩ Trần Đình Lý phân tích: “Thí sinh chọn 2 trường theo thứ tự trường thứ nhất, trường thứ 2 nhưng khi nộp hồ sơ, các em lại đăng ký vào 3 hoặc 4 trường đại học trong đợt 1. Điều này có nghĩa, trường thứ 3, thứ 4 là những nguyện vọng thứ yếu. Nhưng rất có khả năng trường thứ 3, thứ 4 sẽ tiếp nhận được hồ sơ đăng ký xét tuyển của các em và nhập liệu vào. Tài khoản mỗi thí sinh trong đợt 1 chỉ đăng ký được 2 trường. Vì vậy, trường thứ 3, thứ 4 mà đăng nhập vào trước thì thí sinh sẽ mất quyền lợi của bản thân ở thứ tự ưu tiên là trường thứ nhất và trường thứ 2.”.
Hy vọng, những đổi mới theo hướng lắng nghe dư luận của Bộ Giáo dục – Đào tạo trong năm nay sẽ giúp thí sinh thoải mái hơn và các trường cũng chủ động hơn trong quá trình xét tuyển./.
Mỹ Dung/VOV