Giá rét tại nhiều nước trên thế giới
Trong 2 ngày cuối tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải chống chọi với giá rét kỷ lục.
Tại Mỹ, cơn bão tuyết có tên Snowzilla đã làm tê liệt các bang miền Đông Bắc Mỹ trong 2 ngày 23 và 24/1, với lượng tuyết đóng dày lên tới hơn 70 cm, thậm chí nhiều khu vực còn hơn 90 cm, trở thành một trong 5 cơn bão tuyết lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Snowzilla – một trong 5 cơn bão tuyết lớn nhất lịch sử nước Mỹ – khiến nước này tê liệt
Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính tới trưa 24/1, ít nhất 19 người tại nước này đã bị thiệt mạng, 85 triệu người dân bị ảnh hưởng, hơn 4.400 chuyến bay đã bị hủy khi tuyết phủ kín các sân bay ở New York, Philadelphia, Washington và Baltimore; hơn 200.000 người phải sống trong cảnh mất điện, trong khi hàng trăm vụ tai nạn đã xảy ra do bão tuyết. Gần 2.200 lính cảnh vệ quốc gia đã được huy động chống bão tuyết tại 12 bang ở bờ Đông.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio xác nhận 3 người đã tử vong khi đang cào tuyết tại thành phố này. Trong khi đó, 13 trường hợp thiệt mạng do tai nạn giao thông tại các bang Arkansas, North Carolina, Kentucky, Ohio, Tennessee và Virginia. Bang Virginia ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị hạ thân nhiệt và bang Maryland có 1 trường hợp.
Tuyết rơi dày đặc làm tầm nhìn giảm xuống chỉ còn 400 m. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã ban bố lệnh phong tỏa tất cả các tuyến đường nội thị lẫn liên tiểu bang, kể cả các tuyến đường hầm và cây cầu lớn George Washington, đồng thời đóng cửa tuyến đường cao tốc phía Tây nối với New Jersey. Các dịch vụ giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, cũng đều bị đình chỉ, trong khi các bảo tàng phải đóng cửa và nhà hát Broadway cũng hủy các buổi biểu diễn.
Tại thủ đô Washington, sau 2 ngày tuyết rơi, mặt đất đã bị tuyết phủ cao tới 1 m. Chính quyền bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà và điều động thêm lực lượng công nhân dọn tuyết. Theo tính toán nhanh của Bloomberg, chỉ tính riêng 24 giờ qua, nước Mỹ đã thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD vì bão tuyết.
Nhiều nơi tại Trung Quốc tiếp tục chịu ảnh hưởng do đợt giá rét kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Ngày 23/1, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia nước này đã nâng mức cảnh báo giá rét lên màu cam, cấp độ cao thứ 2 trong thang cảnh báo của nước này, khi nhiệt độ tiếp tục giảm mạnh ở khu vực Bắc và Tây Bắc. Nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ xuống dưới âm 40 độ C.
Tại Bắc Kinh, nhiệt độ không khí trung bình trong ngày 23/1 giảm xuống còn âm 16 độ C, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Thời tiết giá rét đã khiến lượng điện năng tiêu thụ cao kỷ lục để phục vụ sưởi ấm. Riêng trong ngày 23/1, lượng điện tiêu thụ tại Bắc Kinh đã lên tới gần 17 triệu kW.
Nhiệt độ cũng giảm thấp xuống dưới 0 độ C từ sáng 23/1 tại nhiều khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử. Tại Trùng Khánh, tuyết đã rơi lần đầu tiên trong gần 20 năm qua. Tại tỉnh Tứ Xuyên, hệ thống cung cấp điện đã gặp sự cố do quá tải, ảnh hưởng tới hơn 300.000 hộ dân.
Tại tỉnh Sơn Đông, gió to và tuyết rơi dày đã đẩy nhiệt độ ở thành phố duyên hải Yên Đài xuống mức âm 16 độ C, buộc các chuyến tàu liên tỉnh phải tạm ngừng hoạt động và nhiều tuyến đường cao tốc phải đóng cửa. Không khí lạnh cũng làm phần lớn biển Bột Hải bị đóng băng, ảnh hưởng tới hoạt động của ngư dân và khiến nhiều tàu, thuyền bị mắc kẹt.
Đợt không khí lạnh lần này cũng lan rộng xuống phía Nam, khiến nhiệt độ tại nhiều tỉnh thành ở Nam và Đông Nam Trung Quốc giảm mạnh, thấp hơn mức trung bình cùng thời điểm hằng năm tới 6-8 độ C. Nhiều khu vực thuộc các tỉnh An Huy, Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông cũng ghi nhận nhiệt độ giảm thấp kỷ lục trong lịch sử.
Giá rét khắc nghiệt cũng xuất hiện tại Hàn Quốc. Theo Cơ quan Khí tượng nước này, nhiệt độ tại thủ đô Seoul trong chiều 24/1 đã đột ngột giảm xuống âm 18 độ C. Trước đó, chiều 23/1, lần đầu tiên trong 5 năm qua, cơ quan này đã buộc phải phát cảnh báo về thời tiết giá lạnh bất thường.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc dự báo nhiệt độ vào buổi sáng trong những ngày tới sẽ giảm xuống mức âm 15 độ C. Trong 2 ngày vừa qua, hàng trăm chuyến bay đến và đi từ sân bay ở đảo nghỉ dưỡng Jeju của nước này đã bị hủy. Khoảng 6.000 du khách bị mắc kẹt. Tại nhiều địa điểm trên đảo, tuyết rơi dày tới 11 cm và ở vùng núi cao là tới hơn 1 m. Đây được đánh giá là đợt tuyết rơi nhiều nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, bão tuyết cũng tấn công nhiều thị trấn và thành phố ở miền Trung và phía Tây đất nước, gây ra tình trạng giao thông đình trệ nghiêm trọng.
Theo truyền thông địa phương, tại các tỉnh Tây Nam Nagasaki và Kagoshima, nhiệt độ đã giảm sâu so với nền nhiệt trung bình 16 độ C của tháng trước. Tuyết rơi dày tại thị trấn Kitahiroshima, tạo ra lớp băng tuyết lên tới 74 cm trên đường phố. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo tình hình sẽ không được cải thiện trong những ngày tới./.
VGP News