Thường cứ mỗi buổi xế chiều, sau khi công việc đồng áng, vườn tược đã xong, năm ba người dân quê ở miền Tây Nam bộ quây quần bên mâm cơm, cùng nhâm nhi vài chung rượu đế cho giãn gân cốt. Cao hứng, họ ngân nga vài ba câu vọng cổ. Trong những cuộc trà dư tửu hậu như vậy, lời bài ca Dòng sông quê em: Hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới… của soạn giả Huyền Nhung thường được nhắc đến.
Dừa nước, loài thực vật mọc hoang dày đặc ven bờ sông, rạch miền sông nước Cửu Long. Nhiều nơi ở miền Trung cũng có dừa nước mọc ven sông, rạch, nhưng loài cây này không được người miệt ngoài quan tâm, gần gũi như dân miền Tây.
Nhiều người vẫn chưa hề biết rằng thân cây dừa nước mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên mà thôi. Lá non hình trụ tròn vươn thẳng dân gian gọi là cà bắp. Cà bắp nở lá thành tàu. Lá già ngả dần sang màu xanh đậm. Hoa cái nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu đỏ hoặc vàng dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ hai tấc rưỡi đến ba tấc gọi là quài dừa.
Trái dừa nước là một trong những món ăn quen thuộc đối với tuổi thơ của trẻ em vùng quê dân dã. Thấy quài dừa đã cúi xuống, theo kinh nghiệm người ta đoán biết cơm dừa đã hình thành và đã đến độ vừa ăn thì đốn về. Cơm dừa hay cùi dừa có màu trắng, mang vị béo và ngọt. Nếu dừa non thì nước nhiều, cơm dừa mỏng, kêu là cháo, ăn không đã miệng. Ngược lại dừa già, cơm cứng, nhai kêu xựt xựt mỏi miệng lại không ra gì!
Dừa vừa ăn được đập tách ra khỏi quài rồi dùng dao chẻ hai, lấy muỗng múc cơm dừa ra ăn ngay. Cầu kỳ hơn người ta lấy cơm dừa ra rồi trộn thêm ít đường, nước đá đập nhuyễn vào giải khát buổi trưa hè.
Hơi phèn mặn dường như còn phảng phất theo trái quê đó. Theo Đông y, dừa nước có công dụng tương đương như dừa xiêm. Nó ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam.