Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992
Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, sửa trực tiếp vào Dự thảo thể hiện ý kiến về những nội dung trong Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng , đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Nhìn chung, Hiến pháp kế thừa những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, được hoàn thiện và bổ sung thêm một số quy định. Điểm mới và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất của Hiến pháp (sửa đổi) là đã thể hiện nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực nhà nước, thể hiện tại Khoản 3, Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Điều 4, ngoài các quy định như Hiến pháp năm 1992 là “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; “Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của Đảng, được quy định tại Khoản 2: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa là Hiến pháp (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân.
Theo đó khẳng định (Điều 14): Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Sau khi biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 97, 59% đại biểu tán thành, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội Phan Trung Lý trình bày dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này. Theo Nghị quyết, bản Hiến pháp mới sẽ được công bố chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Thanh Luân