Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam trị bệnh với chi phí thấp hơn nhiều lần so với thế giới mà lại đảm bảo chất lượng.
Theo TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai chiến lược lựa chọn các thành tựu, thế mạnh về mũi nhọn y tế chuyên sâu trong khám, chữa bệnh của mỗi bệnh viện, mỗi chuyên khoa để đầu tư thêm, nhờ đó đã thực hiện được các kỹ thuật khó, xây dựng các chuyên khoa sâu trong thời gian ngắn nhất.
Cụ thể, các bệnh viện tập trung vào phát triểu các lĩnh vực phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, robot phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cao cấp đối với các chuyên khoa: tim mạch, tiêu hóa, ung thư, chấn thương chỉnh hình, ghép tạng, tạo hình thẩm mỹ, y học cổ truyền… qua đó đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, không chỉ hỗ trợ điều trị cho người dân trong nước mà cả các bệnh nhân người nước ngoài.
Một trong những ví dụ điển hình là lĩnh vực thụ tinh trong ống ngiệm (TTTON) mà theo GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đến nay cả nước đã có 15 trung tâm với hơn 10.000 trẻ em ra đời.
Từ năm 2000, từ 3 trung tâm lớn tại TP Hồ Chí Minh (BV An Sinh, Vạn Hạnh và Từ Dũ), mỗi năm có 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị TTTON và con số này tăng dần từng năm.
Cũng theo bà Phượng, TTTON là một kỹ thuật phức tạp và việc nhiều người nước ngoài về Việt Nam điều trị là minh chứng thuyết phục về trình độ của y học Việt Nam. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp trong khu vực đều biết đến sự phát triển về TTTON ở Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương cho biết bệnh nhân đang điều trị tại Viện đến từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có nhiều người từng điều trị ở nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Nga , Mỹ…) này đã quay trở lại điều trị tại Viện.
TS Trần Hải Yến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho rằng về chuyên môn, nhiều bác sĩ Việt Nam có trình độ cao, tay nghề phẫu thuật khéo, các thiết bị công nghệ mới, kỹ thuật điều trị cao cấp, hiện đại được cập nhật không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Ví dụ, cùng một kĩ thuật, loại bệnh cần điều trị nhưng chi phí điều trị ở Singapore có thể cao gấp 4 – 5 lần tại Việt Nam (như: thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tim kín) trong khi đó, những kĩ thuật này các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được.
Vì vậy, đã có rất nhiều người nước ngoài và Việt kiều tin tưởng đến khám và chữa bệnh tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, số người đến vì mục đích khác (học tập, chữa bệnh…) cũng tăng so với năm trước (2,1%), đạt gần 360.000 lượt người.
Tuy nhiên, để thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam cũng như để người bệnh trong nước tin tưởng vào tay nghề của các bác sỹ, ngành Y tế cần nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế nhằm khắc phục tình trạng các bác sĩ có tay nghề cao, trình độ chuyên môn, y đức vững vàng đều công tác tại các bệnh viện công trong khi đó chức năng phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến bệnh viện công đang bị phụ thuộc nhiều vào đầu tư ngân sách của nhà nước. Trong khi các bệnh viện tư tại Việt Nam dù có tiềm lực để phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao nhưng nguồn lực về con người lại rất hạn chế nên không dám đầu tư phát triển những kỹ thuật chuyên sâu hiện đại.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay các bệnh viện của Việt Nam đã thực hiện 620 ca ghép thận, 24 ca ghép gan và 7 ca ghép tim.
Chinhphu