Vở diễn sân khấu tranh giải Mai Vàng 2012: Vua thánh triều Lê
Trong 4 vở diễn đề cử tranh Giải Mai Vàng 2012, ưu thế nghiêng về vở diễn Vua thánh triều Lê của sân khấu IDECAF
Một cảnh trong vở Vua thánh triều Lê của Sân khấu Kịch IDECAF
Việc đề cử của bạn đọc về một tác phẩm sân khấu mà mình ưa thích trong nhiều tác phẩm đã làm nên diện mạo chung của đời sống sân khấu trong năm. Dù 4 vở diễn này chưa đủ đại diện, song cũng thể hiện một góc nhìn gây được chất xúc tác, để mỗi sân khấu hướng tới dàn dựng tốt hơn, đạt chất lượng nghệ thuật cao hơn.
Ngôn ngữ đạo diễn
Vở Vua thánh triều Lê của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh, do tập thể nghệ sĩ sân khấu IDECAF trình diễn là một vở diễn đạt được 3 yếu tố để hấp dẫn khán giả. Thứ nhất, đề tài lịch sử qua cái nhìn của con người hiện đại; thứ hai, vở dùng hình thức hoành tráng dàn dựng kết hợp nhiều yếu tố mới lạ trong cách cài đặt tình huống, đạt tính logic qua mỗi cảnh diễn và thứ ba, vở khẳng định thêm yếu tố đẩy được dàn diễn viên trẻ lên tạo hiệu ứng phối hợp giữa nhiều thế hệ diễn viên, làm nên diện mạo mới của một sân khấu lâu nay được công chúng yêu thích với nhiều bản dựng dành cho khán giả trẻ.
Xét về yếu tố hình thức, những cảnh diễn đạt chất lượng vì tiết tấu không còn rề rà, mạch kịch phát triển hợp lý, không áp đặt như một số vở lịch sử cứ nhân vật trung thần thì sáng, nịnh thần thì tối.
Âm nhạc trong vở tạo hiệu quả cao trong diễn xuất, phục vụ cho nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc qua từng nhân vật. Cảnh trí mang tính ước lệ nhưng trung thành với hai gam màu: trắng và đỏ, màu trắng thể hiện sự tang tóc của một triều đại mà chính thói xu nịnh làm cho nó xiêu vẹo, còn gam màu đỏ thể hiện sự tàn khốc của một vụ án oan của gia tộc Nguyễn Trãi, gây nhiều tranh cãi trong lịch sử mà sau này vua Lê Thánh Tông đã thay mặt triều đình nhận lỗi trước toàn dân về vụ án oan đó. Đạo diễn Vũ Minh đã mạnh dạn tạo ra tổng thể rất hoành tráng nhưng có điểm nhấn.
Đó là cảnh lên đồng hỏi hồn tiên đế, cảnh bọn xu nịnh đốt Bình Ngô đại cáo… Anh biết cách chăm chút đất diễn cho các diễn viên, để Xuân Thùy, Đại Nghĩa, Đình Toàn… nổi lên một cách bất ngờ trong các số phận nhân vật lịch sử. Ngôn ngữ đạo diễn đã quyết định sự thành công cho vở diễn.
Nó không dừng lại ở thành công của sự thể nghiệm mà còn hướng đến những nguyên tắc cần và đủ cho việc dàn dựng kịch lịch sử rất cần trong đời sống, giáo dục lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc hiện nay.
Vở Mẹ ơi có tên trong danh sách được đề cử là đáng mừng. Đạo diễn trẻ Hạnh Thúy xông xáo tìm cái mới và đạt hiệu quả cao về nghệ thuật. Vở có lối dàn dựng như một nhà văn kể chuyện về cuộc đời mình. Cũng phải, vì Hạnh Thúy vừa đạo diễn vừa diễn vai chính. Cho nên, hình thức câu chuyện cứ rót vào lòng người những thổn thức của một bà mẹ hy sinh tất cả cho con, chấp nhận làm đầy tớ cho gia đình bên vợ giàu có của con, rồi hy sinh mạng mình để cứu sống con.
Hình thức thể nghiệm trong con đường tìm kiếm cái mới của Hạnh Thúy đã được ghi nhận ở vài điều thú vị: chuyển không gian nhanh, chắc; ánh sáng đặc tả nỗi niềm từ số phận nhưng có mối liên kết sâu sắc; tình huống kịch phát triển theo đường cong, nối mạch nhau, làm khán giả suy đoán rồi tiếp cận với hướng giải quyết mà mỗi khán giả đã tự đặt ra cho mình đoạn kết.
Diễn xuất của diễn viên được đạo diễn Hạnh Thúy chọn hình thức vừa đóng vừa mở. Họ diễn theo quy định nhưng giao lưu với khán giả hết sức ứng biến. Chất ngẫu nhiên đó đã tạo cho Lê Bình, Hoàng Anh, NSƯT Việt Anh phô diễn sự tinh tế trong hóa thân các nhân vật.
Còn khiếm khuyết
Làm… của kịch Phú Nhuận là tác phẩm sân khấu có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Vì thế vở Làm… đã nhận được những lá phiếu đề cử của công chúng. Kết cấu vở nhanh gọn, tính cách nhân vật đầy đặn, giàu kịch tính. Ai đã từng đọc tác phẩm này sẽ mở rộng trí tưởng tượng khi xem kịch. Thành công của đạo diễn NSND Hồng Vân chính là tái hiện khung cảnh ngột ngạt của xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân nửa phong kiến.
Đất diễn cho các diễn viên được chăm chút để các vai: Đào Xuân, Tham Kim, Huyền… đi vào trí nhớ khán giả. Tôi thích phần âm nhạc, nó mang ngôn ngữ rất riêng của vở diễn này. Nhưng tôi lại không thích một số màn pha trò, diễn chiêu nhằm tìm tiếng cười của một vài diễn viên. Chính vì cố xoa đi cái căng thẳng vốn nặng nề của câu chuyện bi kịch mà vở sa đà vào một số chi tiết vụn.
Việc bạn đọc đề cử vở cải lương Khi rừng mới sang thu (tác giả: Quy Sắc, đạo diễn: Kim Phương, trong chương trình Ngân mãi chuông vàng) là một tín hiệu đáng mừng. Bối cảnh vở diễn được thực hiện chắc, gọn, không còn lê thê do thời lượng truyền hình trực tiếp không quá 90 phút. Áp lực này đã khiến ê kíp thực hiện phải đẩy nhanh tiết tấu.
Đạo diễn Kim Phượng vẫn giữ được nét lãng mạn, chất tự sự vốn có của cải lương qua việc chăm chút cho dàn cổ nhạc, để những nhạc cụ yểm trợ cho phần ca diễn của các diễn viên tốt hơn. Tuy nhiên, về diễn xuất, các nghệ sĩ đoạt giải Chuông vàng cần phải rèn luyện nhiều mới chinh phục công chúng và giới chuyên môn.
Nguoilaodong