Họa sỹ vẽ ký họa chân dung Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc qua đời

Thông tin từ Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết Họa sỹ Phan Kế An, “cây đại thụ” của làng mỹ thuật Việt Nam, người vẽ ký họa chân dung Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc đã qua đời ngày 21/01 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Họa sỹ Phan Kế An sinh năm 1923 tại Hà Tĩnh; quê ông ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Phan Kế An học khóa XVIII (1944-1945) tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux- Arts de l’Indochine), nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của ngành Hội họa – Hội Mỹ thuật Việt Nam, là người có nhiều công vun đắp, dựng xây các hoạt động mỹ thuật của nước nhà…

Họa sỹ Phan Kế An. (Ảnh: Tạp chí Mỹ thuật)

Ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông có công tìm ra hai gam màu xám xanh và xanh chàm nổi tiếng trong tranh sơn mài Việt Nam.

Ông đã sớm tham gia hoạt động sinh viên cứu quốc, Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, họa sỹ Phan Kế An cùng nhiều văn nghệ sĩ khác lên Việt Bắc công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc Trung ương.Sau đó, ông chuyển đến công tác ở tòa soạn Báo Sự thật, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh. Họa sỹ Phan Kế An được tòa soạn giao nhiệm vụ vẽ ký họa về Bác Hồ, do đó ông đã có một thời gian được sống cùng và vẽ tranh về Bác. Những bức ký họa của ông đã được đăng tải trên báo, phát hành khắp các chiến khu và là nguồn tài liệu quý giá để ông sáng tác nhiều tác phẩm về Bác những năm sau. Trong đó, nhiều bức kí họa của Phan Kế An đến nay đã được xem là những tác phẩm kinh điển tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Hầu hết văn nghệ sĩ uy tín của nước ta thời đó như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ đều được Phan Kế An ký họa. Họa sỹ Phan Kế An còn nổi tiếng trong các thể loại tranh đả kích – châm biếm với bút danh Phan Kích.

Trong sự nghiệp sáng tác, họa sỹ Phan Kế An chủ yếu tập trung vào hai thể loại là tranh sơn mài và tranh sơn dầu, với những tác phẩm nổi tiếng như: “Nhớ một chiều Tây Bắc,” “Những đồi cọ,” “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa,” “Cánh đồng bản Bắc,” “Gác chuông,” “Bụi nứa miền xuôi”… Ông tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc và giành được nhiều giải thưởng cao, trong đó, tranh sơn dầu “Cánh đồng Bản Bắc” được tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật…

Bên cạnh sáng tác, họa sỹ Phan Kế An còn viết nhiều bài báo, bài nghiên cứu về mỹ thuật đăng trên Tạp chí Mỹ thuật và nhiều tờ báo khác. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành khóa I và khóa II, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I, Trưởng chuyên ngành kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa khóa II và khóa III, Ủy viên chuyên ngành Đồ họa khóa IV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc khóa V.

Họa sỹ Phan Kế An đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2001, họa sỹ vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ, bột màu, sơn dầu: “Nhớ một chiều Tây Bắc,” “Gặt ở Việt Bắc,” “Bác Hồ,” “Những đồi cọ,” “Bác làm việc ở lán Nà Lừa,” “Cánh đồng bản Bắc”…

Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Lễ tang của Họa sỹ Phan Kế An diễn ra sáng 25/01, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5, Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu được tổ chức cùng ngày, an táng tại Gò Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội./.

VietNamPlus

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.