Dưới bàn tay đạo diễn của NSND Lan Hương, “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” trở nên mới mẻ hơn qua ngôn ngữ kịch hình thể.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988- 2013), Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức “Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra từ ngày 9-16/9. Nhà hát Tuổi trẻ tham gia với ba tác phẩm, đó là “Mùa hạ cuối cùng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và “Lời thề thứ 9”. Trong đó, vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” do NSND Lan Hương dàn dựng đã tạo được ấn tượng trong lòng khán giả.
“Hồn Trương Ba – da hàng thịt” – một tác phẩm tiêu biểu được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Kịch bản được viết năm 1983, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba – da hàng thịt”. Nội dung kịch bản kể về Trương Ba – một ông lão gần 60 tuổi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã và giỏi đánh cờ. Chỉ vì phút giây lầm lỡ của Nam Tào khi gạch nhầm tên mà Trương Ba đã phải chịu cảnh oan trái, chết chóc.
Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào và Bắc Đẩu đã “sửa chữa” lỗi lầm bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng trớ trêu thay khi bản chất trong sạch, ngay thẳng của Trương Ba đang bị xác hàng thịt làm nhơ nhuốc, tàn tạ. Ý thức được điều này, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết tìm mọi cách để tách hồn mình ra khỏi thân xác ấy.
![](https://canthotv.vn/wp-content/uploads/2013/09/353.jpg)
“Tôi không thể sống với bất cứ giá nào. Có những cái giá đắt quá không thể trả được. Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định không sống nhờ vào thân xác anh hàng thịt nữa, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật. Tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa… Nào, hãy cho tôi chết thật, chết hẳn.” – Trích đoạn trong vở kịch của Lưu Quang Vũ.
Vẫn nội dung ấy, cốt truyện ấy nhưng dưới bàn tay đạo diễn của NSND Lan Hương, “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” trở nên mới mẻ hơn, sáng tạo hơn bằng ngôn ngữ kịch hình thể. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa lồng ghép thoại và nghệ thuật tuồng, vở kịch ý nghĩa hơn với những triết lý sâu xa không thể hiện bằng lời.
Thay vào đó, NSND Lan Hương như thổi một luồng gió mới vào vở kịch khi sử dụng ngôn ngữ hình thể, âm thanh và nhạc điệu để nói lên tâm trạng, tâm lý con người cùng cả những mâu thuẫn trong cách sống và quan điểm sống của nhân vật. Đó là sự đấu tranh mãnh liệt giữa phần hồn và phần xác. Một tâm hồn cao đẹp, trong sạch không thể tồn tại dưới phần xác nhơ nhuốc nên cách tốt nhất là nên giải thoát cho nhau.
Điểm khác biệt về ý tưởng của NSND Lan Hương chính là điểm nhấn quan trọng của vở diễn. Đó là sự phân định ranh giới rõ ràng giữa thiên đình và mặt đất. Phân đoạn về thiên đình chỉ đề cập đến chuyện thiên đình, mặt đất là mặt đất và không có sự nhập nhằng giữa thiên đình và mặt đất. Ý tưởng mới của NSND Lan Hương khiến khán giả có thể hiểu được rõ nét về nội dung vở kịch cũng như ý nghĩa và triết lý nhân sinh mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn nói tới.
Bên cạnh đó, sự táo bạo, liều lĩnh khi xây dựng cảnh hồn Trương Ba bức bối muốn thoát khỏi thân xác của anh hàng thịt và tâm trạng đau khổ khi “mình không còn là chính mình” của Lan Hương cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Thật có hậu khi kết thúc câu chuyện, hồn Trương Ba đã được giải thoát khỏi thân xác “hàng thịt”, thanh thản ra đi trong sự yêu mến của mọi người.
Với ngôn ngữ hình thể, vở kịch “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” tựa như một bức tranh tái hiện lại cuộc sống thực hội tụ đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố. Chính những đường múa uyển chuyển của cơ thể con người cùng âm thanh tiếng tụng kinh trong đêm, tiếng oan hồn vất vưởng trong không gian tĩnh lặng đã lôi cuốn khán giả và tạo cảm xúc thật trong con người họ./.
(Theo vov)