Thể thao Việt Nam năm 2014: Hướng đến Asiad với nhiều kỳ vọng

Trong năm 2014, thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự nhiều đấu trường lớn, nhưng dĩ nhiên, đáng chú ý và đáng quan tâm nhất vẫn là Asiad tại Hàn Quốc, nơi chúng ta thông qua đó để đánh giá sự phát triển của thể thao nước nhà so với mặt bằng châu lục.

Những niềm hy vọng ở các môn cơ bản

Asiad 2014 đến trong bối cảnh mà các môn thể thao cơ bản của Việt Nam có những bước phát triển tốt trong vài năm qua. Đó là đội tuyển điền kinh đang dần trở thành cường quốc của Đông Nam Á, là đội tuyển bơi lội có những bước tiến lớn và đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) đang có sự ổn định.

Dù vậy, Asiad khác xa với SEA Games, nơi thể thao Việt Nam không dễ có nhiều HCV như chúng ta từng có trên đất Myanmar cuối năm trước.

Niềm hy vọng của thể thao Việt Nam nằm ở nhiều VĐV nằm ở các môn cơ bản như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Vũ Thị Hương (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)…

Ánh Viên là niềm hy vọng lớn của TTVN tại Asiad 2014

Năm qua là năm mà Ánh Viên tiến bộ vượt bậc, cô hiện là niềm hy vọng lớn nhất ở đội tuyển bơi nước nhà. Không lâu sau khi thắng lớn tại SEA Games 27, Ánh Viên đã trở lại Mỹ tập huấn (lên đường ngay đúng ngày đầu năm mới 1/1), với mục tiêu quan trọng là nhắm đến Asiad 2014.

Cơ sở để người ta đặt niềm tin vào Ánh Viên đó là việc cô có những tố chất cho thấy hoàn toàn có thể nâng cao thành tích của mình lên nữa, đồng thời bản thân Ánh Viên cũng đã có những tấm huy chương cấp châu lục ở giải vô địch bơi châu Á gần đây nhất.

Ngoài Ánh Viên, những Phan Thị Hà Thanh và Thạch Kim Tuấn cũng được đánh giá cao. Phan Thị Hà Thanh từng có HCV châu Á, đang rất ổn định trong thời gian gần đây, nên nếu tiếp tục tiến bộ, Hà Thanh hoàn toàn có thể mơ về HCV Asiad.

Còn trong môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn (người không dự SEA Games 27, do nước chủ nhà Myanmar hạn chế VĐV tham dự ở từng hạng cân) đều có cơ hội, nếu như họ được đầu tư tốt.

Lời khẳng định ở đấu trường châu lục

Trong những kỳ SEA Games gần đây nhất, đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 hạng đầu. Có nghĩa là ở khu vực Đông Nam Á, năng lực của chúng ta đã được khẳng định.

Chỉ có điều đáng buồn là dù thành công lớn ở SEA Games, nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc tại Asiad, khác với hình ảnh của những Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, hay thậm chí Philippines.

Các đoàn thể thao này, ngoại trừ Thái Lan, có thể đứng dưới Việt Nam ở các kỳ SEA Games, nhưng ở Asiad, thành tích của họ, khả năng giành HCV của họ có vẻ ổn định hơn. Bởi, họ có những môn rất mạnh, nằm trong nhóm môn cơ bản, đủ để tranh ngôi cao nhất tại Asiad.

Chính vì lý do đó mà nhiệm vụ khẳng định chỗ đứng tại sân chơi châu lục của thể thao Việt Nam càng trở thành nhu cầu bứt thiết. Không có được HCV Asiad trong năm nay, thì hầu hết nhiều chục HCV mà chúng ta từng có ở SEA Games 27 sẽ trở nên vô nghĩa, bởi chúng ta vẫn phải ở rất xa so với cái đích chính mà chúng ta cần vươn tới là Asiad.

Chỉ tiêu chinh phục đỉnh cao châu Á tại Asiad của chúng ta vì thế càng nặng nề. Tín hiệu đáng mừng cho thể thao Việt Nam như đã nêu ở trên là ngoài sự vươn lên của thế hệ VĐV mới như Ánh Viên, Quang Nhật (bơi), chúng ta còn có những lời tái khẳng định của thế hệ cũ như Vũ Thị Hương, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), hay Hoàng Xuân Vinh (bắn súng).

Hoàng Xuân Vinh từng giành HCV cấp độ thế giới trong năm 2013, khi thắng VĐV mạnh nhất châu lục Lương Trí Vỹ, nên mong rằng anh sẽ tiếp tục chiến thắng tất cả các đối thủ tại Asiad.

Với các VĐV điền kinh như Vũ Thị Hương hay Dương Thị Việt Anh, khó đòi hỏi họ có HCV khi đối đầu với các VĐV quá mạnh ở châu lục. Nhưng chỉ cần các VĐV này có huy chương Asiad thì đó đã là thắng lợi của thể thao Việt Nam.

Hướng về đấu trường Asiad, cũng là cách chúng ta hướng đến khát khao cao hơn – nhanh hơn – mạnh hơn.

Kim Điền/Dân Trí

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.