Quốc hội kết thúc Kỳ họp thứ 7

Sáng 24/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc, hoàn thành các nội dung chương trình đã đề ra.


Trước phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 .

* Tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương

Với 95,98% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam .

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ: Khoản 2 Điều 13 của Luật hiện hành quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa bị mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên. Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 05 đến 10 năm nữa hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để tạo sự linh hoạt. Tuy nhiên, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký quốc tịch Việt Nam bởi có quốc tịch là một quyền dân sự, quyền nhân thân cơ bản của người dân đã được pháp luật ghi nhận. Do đó, không nên quy định một người mặc nhiên bị mất quốc tịch nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch như quy định của Luật hiện hành.

Việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà đối với một bộ phận công dân Việt Nam, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như chủ trương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam như sau:

“Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định tại Điều 18 của Hiến pháp và Điều 7 của Luật quốc tịch Việt Nam; xác định đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như trên sẽ kết nối với quy định hiện có về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, không tạo ra thêm các loại giấy tờ hay thủ tục mới.

Để phù hợp với việc không quy định thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đề nghị Quốc hội cho bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày công bố.

* Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015

Với 94,58% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Theo đó Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau đây: Tại kỳ họp thứ 9: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành;

Giám sát chuyên đề: Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật .

Tại kỳ họp thứ 10: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành;

Giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014 .

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban; các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội .

Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quỳnh Hoa/TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.