Nước ngọt có ga không cồn: Lợi hay hại với sức khỏe?

Để dự phòng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì… phải có một chế độ ăn lành mạnh.

Trước một số ý kiến cho rằng, nước ngọt có ga không cồn gây quá nhiều tác hại cho sức khỏe con người, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm -Viện phó Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho rằng cần có cái nhìn toàn diện, công bằng với loại đồ uống này.

Nước ngọt có ga được nhiều người tiêu dùng yêu thích.

Mới đây, Dự thảo luật sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đăng tải lấy ý kiến góp ý của dư luận. Trong bản dự thảo này, nước ngọt có ga không cồn xuất hiện trong danh mục chịu 10% thuế TTĐB. Bộ Tài chính dẫn chứng mặt hàng nước ngọt có ga không cồn theo một số bằng chứng nghiên cứu cảnh báo có tác hại lớn đến sức khỏe người dùng như bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch, mỡ máu, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư. Các viện dẫn này đã khiến nhiều “tín đồ” của loại đồ uống này lo lắng!

Béo phì là do uống nước ngọt?

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, một trong những nguyên nhân thừa cân béo phì là do ăn quá khẩu phần ăn, dư thừa năng lượng trong khẩu phần. Với những người này, việc ăn thêm cái bánh ngọt hay chai nước ngọt là không nên. Còn những đối tượng tình trạng dinh dưỡng bình thường, không có bệnh béo phì hay các cháu hơi gầy thì việc uống nước ngọt có ga cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng ga tạo ra cảm giác no và do đó giảm được lượng thức ăn vào cơ thể một cách đáng kể.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tạp chí Dinh dưỡng Anh (British Journal of Nutrition) cho thấy tăng mức độ ga trong thức uống làm tăng cảm giác no và giảm lượng calo hấp thu vào sau đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, “so với nước giải khát có ít ga, việc tiêu thụ nước giải khát có lượng ga vừa và cao tạo ra cảm giác no hơn cho đến tận bữa trưa, khi đó lượng thức ăn và nước uống đưa vào cơ thể ít hơn một cách đáng kể.” Nói cách khác, những người sử dụng nước giải khát có ga trước bữa ăn cảm thấy no hơn và ăn ít hơn, do đó mức độ béo phì sẽ giảm. Những kết quả này đã được nhân rộng trong một nghiên cứu độc lập khác của Đại học Iowa, Hoa Kỳ cũng chứng minh rằng nhiều người cảm thấy no nhanh hơn và kết quả là tiêu thụ một lượng ít hơn khi uống nước giải khát có ga so với khi uống các nước giải khát không có ga.

Một kết luận khác trong tờ trình cũng cho rằng các phụ gia như chất tạo màu, hương vị, chất bảo quản có thể gây ra các căn bệnh như mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ ung thư là một ý kiến cần được xem xét và nghiên cứu thấu đáo hơn khi ngành Y tế đã có những qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ đối với việc sử dụng các phụ gia này, vốn không chỉ được sử dụng trong nước ngọt có ga, mà trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống phổ biến khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một thông báo được đăng tải gần đây, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã khẳng định chất tạo màu caramel (4-methylimidazole) trong các sản phẩm đồ uống là an toàn và hoàn toàn phù hợp với qui định an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho rằng: “Tiêu chuẩn của các sản phẩm nước ngọt có ga không cồn được cấp phép thì đảm bảo. Còn những nơi sản xuất nhỏ lẻ, không qua cấp phép của các cơ quan y tế thì chúng tôi không tin chắc có đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm hay không”.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Thị Lâm: “Để dự phòng bệnh tật nói chung, từ tim mạch, tiểu đường đến béo phì… phải có một chế độ ăn lành mạnh”.

Sự thật ít biết về nước ngọt có ga

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng Hoa Kỳ (Journal of Food Science) cho thấy, nước giải khát có ga không gây thiệt hại cho đường tiêu hóa. Các nghiên cứu khác gần đây thậm chí còn khẳng định nước có ga thực sự có lợi cho sức khỏe tiêu hóa và tim mạch.

Ngoài ra, nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Society of Nutrition Sciences) đã chỉ ra rằng nước khoáng có ga có nồng độ natri (sodium) cao giúp cho việc giảm cholesterol và nguy cơ bị mắc các bệnh về tim mạch đối với phụ nữ.

Nước có ga đã được biết đến trong nhiều thế kỷ như là một loại đồ uống giúp điều trị các bệnh tiêu hóa, và một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tạp chí Tiêu hoá và Gan của Châu Âu (European Journal of Gastroenterology and Hepatology) xác nhận rằng nước có ga làm giảm chứng khó tiêu và triệu chứng táo bón.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu đoạt giải Nobel của Tiến sĩ Barry Marshall đã chứng minh rằng vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), chứ không phải thực phẩm có tính axit và cay là nguyên nhân gây ra viêm loét hệ thống tiêu hóa.

Mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khó đạt

Hiện đồ uống ga không cồn được sử dụng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ở các lứa tuổi yêu thích. Để loại đồ uống này thực sự an toàn cho sức khỏe của mọi người, TS Nguyễn Thị Lâm đưa ra kinh nghiệm của các nước là khống chế độ đường.

“Một trong những giải pháp chăm sóc sức khỏe và kiểm soát là anh phải đưa ra giới hạn đường không được quá bao nhiêu % như vậy thì sẽ tốt hơn cho sức khỏe.” theo TS. Nguyễn Thị Lâm.

Khi đề xuất đưa nước ngọt có ga không cồn vào danh mục chịu 10% thuế TTĐB, lập luận bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ bị lung lay đáng kể bởi hàm lượng đường trong các loại nước ngọt không có ga trên thực tế không hề thua kém nước ngọt có ga, thậm chí còn cao hơn.

Trong thực tế, nguy cơ gây béo phì do thói quen tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và lối sống thiếu lành mạnh phải là cơ sở cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của các nhà làm luật.

VOV online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.