Dự báo điểm sàn ĐH-CĐ sẽ tăng đáng kể

Chiều 24-7, Bộ GD-ĐT đã công bố lại đồ họa phổ điểm các môn thi THPT quốc gia 2015 cho dễ hiểu, dễ xem hơn.

Theo đó, đối với môn toán, có đến 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1. Đỉnh cao nhất của điểm toán là 6,5 điểm với 54.692 em đạt điểm này. Tổng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ là 86 em. Môn văn số thí sinh bị điểm 0 là 423 em, mức 0,5 điểm là 192 em và mức 1 điểm là 349 em. Đỉnh cao nhất của môn văn là 5 điểm với 81.891 em đạt điểm này. Bộ GD-ĐT cũng xác nhận không có thí sinh nào đạt điểm 10 môn văn. Chỉ có 11 thí sinh đạt điểm 9,5 và 7 em đạt 9,75. Môn lý chỉ có một thí sinh được điểm 10, hơn 1.400 thí sinh đạt điểm 9 điểm, phổ điểm chiếm tỷ lệ lớn nhất là từ 4 đến 7 điểm. Môn hóa học, cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, khoảng 67.500 em được từ 5 đến 8 điểm, hơn 300 em bị điểm từ 0 đến 1. Đồ thị môn sinh học cao chót vót ở khoảng 4 đến 5 điểm; chỉ có 35 thí sinh đạt điểm 10 và 705 em được 9 điểm. Môn lịch sử dù có 1.083 em bị điểm liệt song có đến 1.450 em trên điểm 9 (trong đó 11 thí sinh đạt điểm 10). Môn địa lý đỉnh đồ thị cao nhất ở mốc 6 điểm với hơn 30.700 thí sinh; phổ điểm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là từ 5 đến 7; khoảng 550 em bị điểm liệt và 84 thí sinh được điểm 10.

Đặc biệt, ngoại ngữ là môn thi có đồ thị phổ điểm xấu nhất khi đoạn gấp khúc thể hiện điểm 2 đến 3,5 cao đột biến, sau đó xuống đột ngột và thấp dần. Môn thi này có 165 em điểm 0, đỉnh cao nhất là 2 điểm với 74.175 em; 68.931 em đạt 3 điểm, 47.518 em đạt 4 điểm. Cả nước chỉ có 59 thí sinh đạt điểm 10.
Về phổ điểm thi năm nay, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự khác biệt khá lớn giữa các môn. Phổ điểm đẹp nhất thuộc về các môn xã hội: văn, sử, địa… trong khi đó môn toán là môn có nhiều thí sinh bị điểm liệt, rất ít điểm cao. Ngoài ra, môn tiếng Anh, có phổ điểm rất kém, thấp nhất trong số các môn thi tốt nghiệp THPT. Phổ điểm môn toán, tiếng Anh kém phản ánh đúng trình độ của thí sinh hiện nay. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã đến lúc phải điều chỉnh ngay cách dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, trong đó xem xét lại việc nên cho học sinh học tiếng Anh ngay từ mầm non thay vì từ lớp 3 như hiện nay, bởi trẻ nhỏ dễ tiếp thu ngôn ngữ nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phổ điểm năm nay không quá dốc mà phân bố khá đều nên có sự phân khúc nguồn tuyển rất rõ ràng. Các trường đại học dù ở tốp nào đi nữa vẫn có nguồn tuyển tương đối dồi dào. “Nhìn chung, kết quả đạt được năm nay cao hơn kỳ thi đại học những năm trước, bởi năm nay có 60% kiến thức cơ bản trong đề thi. Phổ điểm công bố cho thấy điểm 5 – 6 nhiều nhưng điểm 9, 10 ít hơn; điểm phân bố rất đều nên tạo thuận lợi cho các trường ĐH-CĐ trong tuyển sinh năm nay” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.

Dự kiến, ngày 28-7, Hội đồng xét duyệt ngưỡng điểm đầu vào ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT sẽ họp. Trên cơ sở phân tích phổ điểm thí sinh, hội đồng sẽ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xác định một ngưỡng đảm bảo chất lượng. Năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ có tác dụng đối với các trường dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, không liên quan nhiều đến chỉ tiêu toàn quốc như mọi năm. Do kết quả làm bài của thí sinh khá tốt nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ nhích lên hơn mọi năm. Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, đề thi với nhiệm vụ vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học giúp cho số thí sinh có điểm khá tăng lên đáng kể. Vì vậy, khi tổ hợp các môn thi theo khối A, A1, B, C, D thí sinh đạt điểm khá trở lên sẽ nhiều hơn năm ngoái. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn vào các trường tốp giữa sẽ tăng lên khoảng 1 đến 2 điểm../.

MinhKhoi (sggp)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.