Di sản văn hóa trong dòng chảy đời sống

Khi được công nhận là di sản văn hóa, vấn đề không mới là phát huy giá trị đó như thế nào để di sản trường tồn, nhất là trong thời đại Internet – thời đại mà những gì xưa cũ có vẻ dần nhạt nhòa. Lời giải có thể tìm được từ Phú Thọ.

Phú Thọ hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan”. Trong những biến thiên lịch sử hàng nghìn năm qua, việc thờ cúng các Vua Hùng và Hát Xoan đã được nhân dân giữ gìn và trao truyền.

Chính sự lưu truyền ấy đã làm nên giá trị của di sản.

Đoàn rước kiệu, dâng lễ vật lên Đền Hùng.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không chỉ còn là huyền thoại, trong tâm thức của cộng đồng người Việt, Hùng Vương vừa là Quốc tổ, vừa là bậc thánh, vừa là người lập nước và người chăm lo cho dân, dạy dân làm ăn. Vì vậy, Vua Hùng vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam bắt đầu từ thuở hồng hoang. Đó là ý nghĩa sâu xa để dân tộc Việt Nam tự hào cùng chung tổ tiên, nòi giống, cùng vun đắp và xây dựng một ngôi đền để tỏ lòng tưởng nhớ và cứ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm lại hành hương về vùng đất Tổ tri ân công đức các Vua Hùng.

Lòng biết ơn cha ông của người Việt Nam đã đạt đến độ tín ngưỡng và hình thức thờ cúng thành tâm linh thiêng đã trở thành một di sản văn hóa tâm linh đặc sắc Việt Nam nhưng lại mang tính đại diện cho cả nhân loại. Đó là, dân tộc nào cũng có điểm khởi đầu, ai cũng có cội nguồn và chính tính đại diện “lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội” trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trong đời sống, cùng với việc thờ cúng ở Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, các Vua Hùng còn được cư dân thờ cúng ở hàng trăm thôn, làng trên địa bàn Phú Thọ nói riêng, nhiều địa phương trong cả nước nói chung. Thế là, Vua Hùng không chỉ là Quốc tổ mà còn được tôn thờ là thành hoàng làng.

Như vậy có thể nói, di sản văn hóa đã được bảo tồn, gìn giữ và giá trị của di sản thể hiện ở chỗ đã làm cho lòng biết ơn tổ tiên trở thành sức mạnh đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tinh thần này được truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (người đứng giữa) và các nghệ nhân trẻ phường Xoan An Thái (TP. Việt Trì).

Hình thức “Diễn xướng dân gian hát Xoan” là sản phẩm của đời sống tinh thần bắt nguồn từ sinh hoạt của cư dân trên vùng đất Phú Thọ từ thời Nhà nước Văn Lang với sự trị vì của các đời Vua Hùng truyền nối.

Phú Thọ đã có những hành động để bảo tồn di sản này.

Hiện ở Phú Thọ có 69 nghệ nhân Hát Xoan trên 60 tuổi và họ đều sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Theo ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, cùng với việc phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, địa phương sản xuất những chương trình để tuyên truyền về Hát Xoan trên truyền hình, tỉnh cũng xuất bản sách, đĩa CD, VCD để quảng bá Hát Xoan.

Tỉnh Phú Thọ đã vinh danh 34 “Nghệ nhân Hát Xoan” đầu tiên trong năm 2012, đồng thời chuẩn bị kế hoạch đưa Hát Xoan vào trường học với những hình thức phù hợp.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.