Thị trường ôtô Việt với nỗi lo của doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng

Theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), năm 2017, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 30% và đến năm 2018 giảm về 0%.

ttxvn_xeoto161202Lắp ráp ôtô tải nhập khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian không còn nhiều, thế nhưng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn đang “loay hoay” với chính sách, thông tư.

Đáng ngại hơn, dù hàng rào thuế quan hiện chưa được gỡ bỏ hoàn toàn, song lượng ôtô nhập khẩu từ ASEAN đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.

Xu hướng giá xe tiếp tục giảm

Qua quan sát, diễn biến thị trường xe ôtô vài năm nay cho thấy, nếu như cả năm 2015, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia cung cấp ôtô cho Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ) thì bước sang năm 2016 Thái Lan đã vươn lên giữ vị trí đầu bảng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tổng số gần 87.000 xe ôtô về Việt Nam trong 10 tháng năm 2016, Thái Lan chiếm tới 26.790 xe, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc với 21.038 xe và Hàn Quốc 20.776 xe.

Đặc biệt trong xu hướng thuế nhập khẩu giảm dần, trong tháng 10 vừa qua, lượng xe nhập khẩu từ thị trường Thái Lan lên đến 2.891 xe, trong khi con số này từ Ấn Độ là 2.300 xe và Trung Quốc chỉ 603 xe.

Điều khiến Thái Lan vươn lên dẫn đầu các quốc gia cung cấp xe cho thị trường Việt Nam là ngoài thủ phủ sản xuất ôtô lớn nhất khu vực, có lợi thế về quy mô sản xuất hàng loạt giúp giá thành xe giảm, Chính phủ Thái Lan còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành ôtô xuất khẩu nên giá xe càng có lợi thế hơn so với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2016, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm từ 50% còn 40% theo lộ trình khiến cho giá xe nhập từ Thái Lan về giảm đáng kể so với các thị trường khác, người tiêu dùng trong nước ít nhiều được hưởng lợi.

Xu hướng này còn tiếp tục giảm khi thuế nhập khẩu xe ôtô từ ASEAN về mức 0% từ vào đầu năm 2018.

Cùng với việc thuế nhập khẩu ôtô giảm dần và đang trong lúc trông chờ Chính phủ ban hành chính sách để doanh nghiệp quyết định chiến lược kinh doanh của mình, thì những tháng gần đây một số đơn vị đã chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc thay cho lắp ráp trong nước.

Điều này thể hiện rõ nét ở triển lãm ôtô Việt Nam là sân chơi của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe trong nước, nhưng hầu hết các mẫu xe trưng bày lại là nhập khẩu nguyên chiếc.

Đơn cử như Toyota nhập khẩu mẫu Fortuner, Honda nhập khẩu mẫu Civic từ Thái Lan về phân phối thay cho lắp ráp trong nước hay Ford Ranger, Explorer, Chevrolet Colorado và Trax, Toyota Hilux, Mazda BT-50 cũng đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan…

Một số doanh nghiệp sản xuất cho rằng, thời gian còn lại để hiện thực hóa các cam kết theo hiệp định trong lĩnh vực này không còn nhiều, nhưng đến nay chính sách phát triển cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chưa được cụ thể hóa nên rất khó cho doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động dài hơi của mình.

Không phát triển tràn lan, tăng hàm lượng nội địa

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, ngoài việc tiếp tục giữ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Quốc hội đã bổ sung ngành, nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư sửa đổi.

Luật này đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2017; trong đó ngành, nghề “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” có hiệu lực từ 1/7/2017.

Việc đưa “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” vào ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được hiểu là không thể để ngành ôtô Việt Nam phát triển tràn lan mà cần phải cố gắng lắp ráp và kết hợp cùng với các thương hiệu, tập đoàn lớn của thế giới để tăng hàm lượng nội địa và tạo công ăn việc làm.

Đặc biệt, dịch vụ bảo hành và hậu mãi đòi hỏi điều kiện đầy đủ chứ không phải nhập khẩu về rồi thả nổi.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng cho rằng, việc giữ và bổ sung điều kiện trên không bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường ôtô trong bối cảnh hội nhập và từ đó tạo ra thế độc quyền cho mấy chục doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và nhập khẩu có quan hệ với chính hãng.

Bởi khi họ có được sự độc quyền và nhân danh chính hãng sẽ như một mình một chợ, đẩy giá xe lên cao và người tiêu dùng chịu thiệt. Cùng với đó là để bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân giảm tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay có thể sẽ có thêm những quy định mới cũng khiến giá bán xe tăng thêm.

Khi đó ước mơ được mua xe giá rẻ của người tiêu dùng trong nước khó có thể trở thành hiện thực.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuệ Đăng Nguyễn Đức Giỏi cho hay, bản thân mỗi doanh nghiệp đi vào hoạt động đều có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề và hoạt động đúng với quy định và luật pháp Việt Nam, đồng thời đóng thuế đều đặn hàng tháng, nhưng với quy định mới phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất ôtô về việc bảo hành, bảo dưỡng xe là rất nan giải với doanh nghiệp mình cũng như hàng nghìn cơ sở trong cả nước.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về xây dựng showroom, trạm bảo hành sửa chữa, đạt tiêu chuẩn quốc tế… trong khi yêu cầu này chỉ có liên doanh đại diện ở Việt Nam mới làm được mặc dù Chính phủ cũng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn nhận lạc quan hơn, ông Chu Trường Giang, Giám đốc Công ty cổ phần ôtô Hùng Vương cho rằng, việc giữ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô” và bổ sung “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp nhỏ.

Những điều kiện này có thể là những giấy phép con, nhưng qua đó sẽ buộc các đơn vị nhập khẩu, cơ sở sửa chữa đi vào nền nếp hơn và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển tốt hơn.

Đồng thời sẽ là cuộc sàng lọc những đơn vị yếu kém, không đủ tiềm lực hay trang thiết bị sửa chữa ra khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên, với những đơn vị tâm huyết với nghề, làm ăn “chuẩn chỉ,” nhập xe hay thay thế phụ tùng chính hãng, đều có xuất xứ rõ ràng cùng với đội ngũ tay nghề có bằng cấp, làm việc có trách nhiệm và uy tín được khách hàng tín nhiệm thì dù điều kiện nào trong Luật đưa ra cũng có thể bổ sung để vượt qua được, ông Giang nhấn mạnh./.

VietnamPlus

http://www.vietnamplus.vn/thi-truong-oto-viet-voi-noi-lo-cua-doanh-nghiep-nho-va-nguoi-tieu-dung/418956.vnp

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.