Thái Lan trước ngưỡng cuộc khủng hoảng chính trị mới

Vụ xung đột bắt nguồn từ những khác biệt trong quan điểm giữa Chính phủ tạm quyền và phe chống Chính phủ.

Ngày 15/5, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan kêu gọi hoãn cuộc Bầu cử Quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 20/7 tới, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng súng và lựu đạn nhằm vào người biểu tình chống Chính phủ tại Thủ đô Bangkok làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 22 người bị thương.

Trong bối cảnh cả Chính phủ tạm quyền và phe đối lập tại Thái Lan đều kiên trì quan điểm của mình, những căng thẳng trên chính trường Thái Lan rất có thể đưa nước này bước vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa bình yên.

Trong một tuyên bố, Uỷ ban Bầu cử Thái Lan kêu gọi hoãn cuộc Bầu cử Quốc hội dự kiến tổ chức vào ngày 20/7. Ông Somchai Srisuthiyakorn – một thành viên Uỷ ban Bầu cử Thái Lan cho biết: “Cuộc bầu cử có thể sẽ không diễn ra vào ngày 20/7. Chúng tôi vẫn chưa ấn định khoảng thời gian tổ chức bầu cử. Câu hỏi là khi nào cuộc bầu cử diễn ra phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó là việc khi nào chúng tôi nói chuyện với Chính phủ để ấn định một ngày tổ chức cuộc bầu cử và cả việc Uỷ ban Bầu cử sẽ định ra ngày bầu cử như thế nào trong khi Uỷ ban Bầu cử và Chính phủ vẫn chưa thảo luận”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi các vụ đụng độ tại Thái Lan tiếp tục leo thang. Theo cảnh sát Thái Lan, có 2 quả lựu đạn M79 ném vào địa điểm biểu tình tại khu Tưởng niệm dân chủ, tiếp sau đó có nhiều tiếng súng nổ. Hiện chưa rõ danh tính những đối tượng thực hiện vụ tấn công. Như vậy, số người thiệt mạng vì các vụ tấn công bằng súng và lựu đạn trong chiến dịch kéo dài 6 tháng qua của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) chống chính phủ lên 27 người và số người bị thương lên hàng trăm.

Sau vụ tấn công, hàng trăm người biểu tình đã xông vào một căn cứ không quân ở phía Bắc Thủ đô Bangkok, nơi Chính phủ đang có cuộc họp với các quan chức bầu cử để ấn định ngày tiến hành cuộc bỏ phiếu mới. Đám đông đã vượt qua hàng rào cảnh sát và tràn vào sân căn cứ này khiến cuộc họp bị hoãn và quyền Thủ tướng Niwatthamrong đã phải dời đi nơi khác.

Trong khi đó, khi phe Áo đỏ ủng hộ Chính phủ của Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD) cũng đã tập trung ở ngoại ô phía Tây Bangkok và sẵn sàng tràn vào Thủ đô. Thủ lĩnh Mặt trận Dân chủ chống độc tài Jatuporn Prompan tuyên bố: “Ông Suthep Thaugsuban đã đi quá xa. Không thể đàm phán với ông ta được nữa. Ông ta cho rằng, Thủ tướng không cần phải do nhân dân bầu, nhưng chúng tôi tin rằng dân chủ là tương lai của Thái Lan. Vì vậy, nguyên tắc của chúng tôi là cạnh tranh trực tiếp”.

Mặc dù Chính phủ tạm quyền chưa xác định được danh tính kẻ thực hiện vụ tấn công, nhưng những tuyên bố và hành động gần đây của các nhóm ủng hộ và chống Chính phủ tạm quyền khiến dư luận lo ngại về một cuộc đối đầu bạo lực, thậm chí là nguy cơ nội chiến ở đất nước này. Nhận định trên càng có cơ sở khi các điều tra mới đây cho thấy, cả hai phe biểu tình ủng hộ lẫn phản đối Chính phủ đều có vũ khí trong tay.

Vụ xung đột bắt nguồn từ những khác biệt trong quan điểm giữa Chính phủ tạm quyền và phe chống Chính phủ. Chính phủ tạm quyền cho rằng, một cuộc Tổng tuyển cử sẽ là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng đang đe dọa đẩy nền kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái và tiến gần hơn tới nguy cơ nội chiến.

Trong khi đó, lực lượng biểu tình chống Chính phủ đòi bổ nhiệm một Thủ tướng không qua bầu cử. Thậm chí đêm 14/5, thủ lĩnh Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban tuyên bố, nếu đến hôm 16/5 mà Thượng viện không bổ nhiệm một Chính phủ lâm thời thay thế chính quyền hiện tại thì Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân sẽ “giành quyền lực” và lập “Hội đồng Nhân dân” để điều hành đất nước.

Theo các nhà phân tích, ngoài việc tiến hành các cuộc biểu tình đường phố, phe đối lập cũng đang cố gắng loại bỏ chính phủ tạm quyền bằng các công cụ pháp lý. Ông Yuttaporn Issarachai, Hiệu trưởng Trường Khoa học Chính trị tại Đại học Sukhothai Thammathirat ở thành phố Nonthaburi nhận định: “Lần này, phe đối lập khó có thể đạt được mục tiêu của mình thông qua một cuộc đảo chính quân sự như trước đây. Do vậy, những người biểu tình đã chọn cách từng bước từng bước một thông qua một cuộc đảo chính tư pháp. Đây chính xác là những điều mà họ đang thực hiện”.

Còn ông Virot Aree, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Thammasat ở Thủ đô Bangkok cho rằng, nếu Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) Thái Lan ra những quyết định chống lại Chính phủ tạm quyền thì các thành viên trong Chính phủ tạm quyền có thể buộc phải từ chức: “Tại thời điểm này, ông Niwatthamrong được làm Thủ tướng tạm quyền. Nhưng vẫn phải chờ đợi để xem Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia sẽ làm gì tiếp theo. Có thể có các thành viên nội các khác trong Chính phủ tạm quyền có liên quan đến các chương trình hỗ trợ giá lúa gạo của Chính phủ và họ có thể bị buộc phải từ chức”.

Như vậy, hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định phế truất chức Thủ tướng tạm quyền của bà Yingluck Shinawatra, quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa bình yên.

VOV Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.