Thủ tướng Phan Văn Khải với các chuyên gia và phóng viên báo chí

Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới​-Phát triển đất nước, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng tập thể Chính phủ (giai đoạn 1997-2006) đã để lại những dấu ấn quan trọng trong hoạt động điều hành kinh tế​-xã hội.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với các đại biểu dự buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập TTXVN và 55 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng được tổ chức tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ông đồng thời để lại những ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp trong tâm trí những người đã từng được gặp gỡ, làm việc cùng ông vào những năm tháng ấy…

Tôn trọng, chân thành, tin cậy chuyên gia

Trong ba nhiệm kỳ giữ trọng trách trong bộ máy hành pháp nước nhà, trong đó có hai nhiệm kỳ ở cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải – đồng chí Sáu Khải, luôn coi trọng việc tập hợp và phát huy trí tuệ, sự đóng góp của toàn dân, trong đó có đội ngũ trí thức, chuyên gia có năng lực và tâm huyết.

Điều này góp phần lý giải thêm nguyên nhân dẫn đến những thành công trong hoạt động điều hành của tập thể Chính phủ mà ông là người đứng đầu. Đó là sự kiên trì và hiệu quả trong thể chế hóa đường lối, chính sách, với dấu son là việc ban hành Luật Doanh nghiệp, khép dần cơ chế xin, cho; góp phần đưa nền kinh tế đất nước tăng trưởng với tốc độ cao sau hai năm chững lại do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á.

Ông cũng là vị lãnh đạo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng có chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ; lãnh đạo và tổ chức điều hành thành công việc đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau chặng đường dài 11 năm với 15 vòng đàm phán gay go, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước… mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và VIII đã đề ra.

“Không phải chuyện gì anh Sáu cũng nói với chúng tôi nhưng đã nói là nói thật, không bao giờ nói một đằng mà trong đầu nghĩ một nẻo. Vì thế, chúng tôi cũng không ái ngại anh Sáu mà không dám nói thật.” Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Nguyên, một thành viên nòng cốt trong Tổ chuyên gia tư vấn giúp hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.

Ông Nguyên cho biết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đề ra việc thành lập Tổ chuyên gia tư vấn vào năm 1993.

Ông Khải, khi đó là Phó Thủ tướng, rất đồng tình và là người trực tiếp tổ chức thực hiện. Khi làm Thủ tướng, ông Khải tiếp tục làm việc thẳng với các chuyên gia tư vấn, không qua bất cứ trung gian nào.

Để có tầm nhìn rộng và tiếng nói khách quan, việc lựa chọn người tham gia Tổ chuyên gia tư vấn không nhằm vào những người trong bộ máy quyền lực mà chủ yếu tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, kể cả một số trí thức đã từng làm việc dưới chế độ cũ và học giả người Việt Nam ở nước ngoài.

Việc tập hợp các chuyên gia không dựa vào quyết định hành chính mà bằng thư mời của Thủ tướng, đi liền với quy chế làm việc tôn trọng tư duy độc lập, tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến, kể cả những suy nghĩ khác với chính sách đương thời, khác với ý kiến lãnh đạo.

Thủ tướng thường xuyên tiếp nhận các kiến nghị của chuyên gia tư vấn và duy trì các cuộc họp với toàn thể tổ chuyên gia để nghe, thảo luận về định hướng đổi mới, phát triển đất nước.

Tổ chuyên gia tư vấn còn được Thủ tướng yêu cầu tham gia soạn thảo hoặc phản biện các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới chính sách, biên tập các báo cáo và diễn văn quan trọng của Thủ tướng.

Do không nắm quyền lực, không vướng bận về địa vị, quyền lợi, không lo “giữ ghế,” không có cấp trên, cấp dưới trong Tổ tư vấn nên các chuyên gia làm việc với tinh thần thực sự cầu thị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, thẳng thắn khi thảo luận cùng nhau cũng như khi báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng; đồng thời luôn đề cao tính thiết thực, khiêm tốn, không phô trương hoạt động và đóng góp của mình.

Phần lớn các kiến nghị của Tổ chuyên gia tư vấn được Thủ tướng chấp nhận, đưa vào chương trình công tác của Chính phủ, của Thủ tướng và thể hiện qua các văn bản thể chế.

Qua 13 năm tồn tại và hoạt động (từ 1993 đến 2006), Tổ chuyên gia tư vấn nhìn chung đã thực hiện được nhiệm vụ theo yêu cầu của Thủ tướng, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, kiến nghị các quan điểm, chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội; nổi lên là chính sách đối với các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân và tầng lớp doanh nhân, cổ phần hóa, điều chỉnh vị thế của doanh nghiệp Nhà nước, thu hút đầu tư của nước ngoài, hội nhập quốc tế.

Yếu tố quan trọng hàng đầu, có thể coi là điều kiện tiên quyết cho việc tập hợp, phát huy trí tuệ của chuyên gia tư vấn, đó là sự tôn trọng và chân thành lắng nghe của người lãnh đạo đối với các chuyên gia, kể cả những lời khác ý mình, giúp người khác có cơ hội bảo vệ quan điểm của họ.

Thái độ đó của Thủ tướng Phan Văn Khải bắt nguồn từ tâm nguyện một lòng vì nước, vì dân cùng với ý thức gắn bó với dân, tin vào dân, học hỏi dân, thể hiện rõ ở nhân cách được tôi luyện trong suốt quá trình học tập, công tác và cống hiến cho đất nước, nhân dân; từ tinh thần cầu thị, ham học hỏi, kế thừa trung thành đường hướng lãnh đạo và phong cách ứng xử của bậc tiền nhiệm gần gũi là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Giáo sư, tiến sỹ Khoa học Dương Đức Tiến, nguyên là cán bộ giảng dạy bộ môn Sinh học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, kể lại: “Với Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi không bao giờ quên lần đến thăm ông tại nhà riêng ở gần Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên của tôi là căn nhà được bài trí giản dị, khiêm nhường, không có dấu hiệu quan cách, xa hoa. Ông thân mật và nhã nhặn mời tôi ngồi, hỏi chuyện về tình hình nhà trường, đời sống của bản thân và các nhà giáo, nhà khoa học. Ông quan tâm cả về số anh chị em đã được Nhà nước cử đi học tập, trao đổi kiến thức ở nước ngoài, điều kiện làm việc, nguyện vọng của họ sau khi trở về nước. Qua cuộc trò chuyện ngắn, Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi hiểu, tin tưởng hơn về mong muốn, quyết tâm phấn đấu của Đảng ta vì một dân tộc Việt Nam tiến bộ, công bằng và đầy tính nhân văn.”

Cởi mở, chân tình với phóng viên báo chí

Trong những năm đương nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn quan tâm, ủng hộ giới báo chí làm việc với tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, dám nói sự thật,” chủ động tạo cơ hội nhận thông tin nhiều chiều. Mặt khác, ông được nhiều phóng viên báo chí cảm phục, kính trọng bởi phong cách ứng xử điềm đạm, cởi mở và chân tình.

Được dự các buổi làm việc hoặc tháp tùng các chuyến công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải, số đông phóng viên có nhận xét các phát biểu của ông, nhất là khi nói về những vấn đề kinh tế, thường ngắn gọn, nội dung hàm súc nhưng cụ thể, sinh động, dễ hiểu, thuận cho việc viết tin, bài.

Trước chuyến thăm tỉnh Cao Bằng, ông nói: “Hôm nay chúng ta đi thăm tỉnh nghèo nhất nước.” Những điều ông nói tưởng như đơn giản nhưng đã gợi mở cho phóng viên rất nhiều trong việc chọn chủ đề, chi tiết đưa vào tin, bài viết.

Trò chuyện, thăm hỏi phóng viên, ông quan tâm chuyện sức khỏe, học hành của gia đình và con cái họ. Ông thường nhắc nhở việc đầu tư cho các cháu học tốt ngoại ngữ và tin học, để có thêm điều kiện phát triển trong tương lai.

Từng là Người Phát ngôn – Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao trong 6 năm (1997 – 2003), bà Phan Thúy Thanh có nhiều kỷ niệm về những lần được làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải. Bà cho biết Thủ tướng Phan Văn Khải rất ít khi từ chối trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài. Ông thường nói: “Không gặp, sao biết người ta nghĩ gì về mình.”

Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ thời kỳ đó đã góp phần rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh và định hướng dư luận về Việt Nam.

Bà nhớ lại: “Có lần, trong chuyến tháp tùng ông đi thăm nước Đức, tôi bị ngã trên xe ôtô và phải nghỉ, không tham gia một vài hoạt động của đoàn. Không hiểu sao ông biết được điều đó nên đã cầm điện thoại của một cán bộ Bộ Ngoại giao gọi cho tôi hỏi thăm, dặn dò… trong khi ông có lịch hoạt động đối ngoại dày đặc của một chuyến thăm chính thức. Đó là một cử chỉ mà tôi nhớ mãi về con người ông, một Thủ tướng sâu sắc, bình dị và rất chân tình.”

Bà còn cho biết: “Sự chân tình của ông còn thể hiện rất rõ trong các cuộc tiếp xúc đối ngoại mà tôi được tham dự. Sau tất cả những trao đổi về công việc, bao giờ ông cũng có những lời hỏi thăm, chuyện trò về sở thích, thói quen, gia đình của khách, mời khách thăm lại Việt Nam. Cựu Thủ tướng Luxembourg và nay là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngài Jean-Claude Juncker luôn nói về Thủ tướng Phan Văn Khải với sự kính trọng, tình cảm hết sức nồng ấm mỗi khi tôi có vinh hạnh được gặp, trong thời kỳ làm Đại sứ tại Vương quốc Bỉ và kiêm nhiệm Luxembourg (2003-2007).”

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), với tư cách là Hãng Thông tấn Quốc gia trực thuộc Chính phủ – một đơn vị thông tin nguồn trong hệ thống báo chí, cũng được Thủ tướng Phan Văn Khải rất quan tâm.

Từ khi là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ, ông nhiều lần đến thăm và làm việc với tập thể cán bộ chủ chốt của TTXVN. Ông còn trực tiếp viết Lời tựa cho bộ sách Người tốt việc tốt gồm 12 tập mang tên “Tâm sáng, chí bền” của TTXVN.

Nhà báo Nguyễn Thị Thúy, nguyên Phó Trưởng phòng tin Văn Xã, Ban biên tập tin Trong nước, TTXVN, nhắc lại kỷ niệm để đời về một lần tác nghiệp trong hoàn cảnh “nước sôi, lửa bỏng”: “Đó là một sáng Chủ nhật đầu tháng 3 năm 2003, khi đó tôi còn là phóng viên theo dõi ngành y tế, cùng chị Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng phòng tin Văn Xã – Ban biên tập tin Trong nước, có phiên trực bất thường, với nhiệm vụ cập nhật tình hình dịch SARS – một trong 10 đại dịch của Thế kỷ XXI, đã xâm nhập vào Việt Nam. Dịch tiến triển và lây lan rất nhanh. Con số bệnh nhân mắc và tử vong được cập nhật theo giờ, tăng thêm con số hàng chục mỗi ngày, trong đó quá nửa là nhân viên y tế. Riêng tại Bệnh viện Việt​-Pháp, tâm điểm của ổ dịch, đã có 5 nhân viên y tế và cả bác sỹ Carlo Urbani (người Ital​y) tử vong do bị nhiễm virus khi điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Thông tin truyền khẩu lan rộng trong lúc ngành y tế còn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, chủng lây, đường lây, thuốc đặc trị và phác đồ điều trị ra sao, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, TTXVN có đầy đủ thông tin nhưng lại chưa thể chính thức đưa vào tin, bài vì còn có ý quan ngại ở một số cấp, ngành, muốn để thông tin trong diện hẹp.

Trước tình hình đó, nhóm trực chúng tôi rất bức xúc, chỉ biết tự hỏi nhau nếu không thông tin thì làm sao dân chúng biết mà phòng tránh, các địa phương, các cơ quan hữu quan và cả cộng đồng quốc tế làm sao có thể chung tay ngăn chặn dịch…? Suy đi, nghĩ lại, hai chị em bàn nhau cách tốt nhất là đề nghị các đồng chí phụ trách đơn vị xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ cấp Chính phủ. Thật may, chỉ sau ít phút tiếp nhận thông tin, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định cho phép công khai, minh bạch toàn bộ diễn tiến dịch SARS tại Việt Nam.

Trên thế giới có những vụ dịch vài ba thế kỷ cũng chưa biết căn nguyên, trong khi dịch SARS ở Việt Nam, từ lúc công bố bệnh lạ đến khi tìm ra virus chỉ hơn một tháng. Sự hợp tác quốc tế cũng rất lớn. Khi Việt Nam công bố dịch, gần như ngay lập tức được hỗ trợ rất nhiều về các phương tiện phòng dịch, trang thiết bị y tế…

Sau 45 ngày chống chọi, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS và được thế giới công nhận là mô hình ứng phó hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao việc Việt Nam chủ động công bố dịch và chia sẻ thông tin, coi đó chính là ​’sự cam kết chính trị ngay lập tức từ cấp cao nhất…’

Yêu cầu công khai thông tin và vai trò truyền thông được nhấn mạnh, trở thành bài học thành công không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả nhiều nước trên thế giới. Đó cũng là minh chứng sinh động về sự sáng suốt nhưng khiêm nhường, cầu thị của Người đứng đầu Chính phủ.”

Những phóng viên TTXVN từng được gặp, làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải đều có ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp về ông.

Bà Nguyễn Kim Điệp, nguyên Trưởng phòng Kinh tế trong nước – Ban biên tập tin Kinh tế, TTXVN, kể lại: “Đầu năm 1991, khi còn là phóng viên Ban biên tập tin Trong nước, tôi nhận trách nhiệm phỏng vấn đồng chí Sáu Khải, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, về Dự thảo ​’Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam đến năm 2000​’ vì biết ông được Tổng Bí thư Đỗ Mười giao trách nhiệm đứng đầu nhóm soạn thảo văn kiện quan trọng này. Trước buổi làm việc, tôi rất lo lắng, tâm trí căng thẳng. Tuy nhiên, chỉ năm phút sau khi trình Thẻ nhà báo và Giấy giới thiệu của cơ quan, tôi đã thấy ông cùng Phó Chủ nhiệm Lê Xuân Trinh tươi cười bước ra với lời chào cởi mở: ​’Nhà báo đợi có lâu không?’ Bao nhiêu lo lắng tan biến, tôi thoải mái, tự tin đặt câu hỏi. Ông trả lời từng vấn đề rõ ràng, mạch lạc bằng giọng Nam bộ trầm ấm. Việc xong, ông ân cần hỏi thăm tôi về hoàn cảnh gia đình, công việc và nhắc gửi bài để ông xem lại cho chuẩn xác. Bài phỏng vấn hôm đó được Ban biên tập đánh giá cao. Cho đến nay, tôi vẫn biết ơn và giữ ấn tượng tốt đẹp về ông, một nhà lãnh đạo hiểu sâu, biết rộng nhưng thật bình dị, thân tình.”

Nhà báo Nguyễn Thu Nga, nguyên Trưởng phòng tin Nội chính, Ban biên tập tin Trong nước TTXVN nhớ lại chuyến theo Đoàn Chính phủ tới thăm quốc đảo Iceland: ‘‘Trong chuyến thăm ấy, tôi không chỉ được biết một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, cùng với hệ thống phúc lợi xã hội vào hàng tốt nhất thế giới, mà còn có dịp hiểu hơn về phong cách làm việc khoa học, thiết thực của người đứng đầu Chính phủ. Chỉ nói về chuyện chụp ảnh, Iceland vốn là xứ sở có phong cảnh thiên nhiên độc đáo, đặc biệt là đá và suối nước nóng. Để có những bức ảnh sinh động, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dành thời gian và cơ hội cho nhà báo Thế Thuần ​- phóng viên nhiếp ảnh TTXVN tác nghiệp”.

Đã từng được gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, các chuyên gia, phóng viên báo chí đều giữ những ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp./.

VŨ KIM HẢI (TTXVN/VIETNAM+)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.