Thơ chúc Tết của Bác – quà quý đầu xuân

Đã từ lâu, lặng đi trong thời khắc Giao thừa để lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ đã trở thành tục lệ của đồng bào ta. Từ các cụ già râu tóc bạc phơ đến bầy em nhỏ, tất cả đều cảm thấy lòng lắng dịu khi nghe giọng nói ấm áp, thiết tha của Người đọc thơ chúc Tết.

Ảnh tư liệu

Và cả khi Người không còn nữa, Tết đến mọi nhà vẫn ước mong:

Bác ơi!

Tết đến. Giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân

(Tố Hữu)

Đúng vậy, có một món quà luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng đồng bào mình vào mỗi dịp Tết cổ truyền, đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng rất đỗi thân thương của Người. Có lẽ Người là vị lãnh tụ của một đất nước duy nhất trên thế giới thường xuyên có thơ Xuân, thơ chúc Tết vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên khi Người trở về nước sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước năm 1942 cho đến lúc ra đi, Người đã viết hơn 20 bài thơ chúc Tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là điều dễ nhận thấy trong các bài thơ chúc Tết của Người, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn những lời chúc Tết thông thường là bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ tiền đồ tươi sáng của cách mạng. Mỗi bài thơ không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ mà còn là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng.

Một nhà cách mạng Cuba đã từng nói: Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chính bằng thơ.

Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, thường trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng chuẩn bị từ rất sớm: tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới. Những bản thảo còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, viết mỗi bài thơ Người cũng dày công và kỹ lưỡng như thế nào. Có thể vì thế, những bài thơ chúc Tết của Người luôn vượt qua khuôn khổ những bài thơ chúc Tết đơn thuần.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên… một loạt các sự kiện ghi dấu son lịch sử đã mang đến cho nhân dân cả nước một mùa xuân đầy hào khí của bài ca thắng lợi. Trong cái Tết đặc biệt này, Bác Hồ đã viết 3 bài thơ Xuân chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, đó là các bài: Chúc Tết Bính Tuất – 1946Mừng báo Quốc gia và Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất.

Lần đầu tiên nhân dân cả nước được hưởng một mùa xuân mới sau bao nhiêu năm đất nước chìm trong đêm trường nô lệ. Bác khẳng định:

Tết này mới thực Tết dân ta

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia

Độc lập đầy vơi ba chén rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa

Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ

Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa.

Từ năm 1945 đến năm 1954, thời kỳ “Toàn quốc kháng chiến – toàn diện kháng chiến”, trong mỗi bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta đều như nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, tràn đầy hào khí của dân tộc. Điều này có thể nhận thấy được ở thơ chúc Tết xuân Đinh Hợi – 1947:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Giữa năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta xuất hiện tình thế mới, có lợi cho ta. Tháng 12/1967, Bác Hồ chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị, phân tích tình hình, quyết định mở đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, để giành thắng lợi quyết định.

Ảnh tư liệu

Năm 1968, Bác Hồ viết nhiều thơ xuân nhất. Điều đặc biệt là chùm thơ xuân gồm 6 bài được viết ở những thời khắc khác nhau, với những nội dung và cách biểu đạt khác nhau, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ niềm tin và niềm vui chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chiến công nối tiếp chiến công. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường miền Nam dồn dập báo về chính là nguồn thi hứng dạt dào với Người. Giữa mùa Xuân chiến thắng ấy, Người mượn cớ đã lâu không làm thơ, đọc cho đồng chí Vũ Kỳ, là thư ký của Người, chép bài thơ Không đề gửi một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng:

Đã lâu chưa làm bài thơ nào

Đến nay thử làm xem ra sao

Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao.

Chỉ một vần “thắng”, mãnh liệt và truyền cảm, câu thơ đã đem đến niềm xúc động cho bao người, những người chiến sĩ, những đồng bào đang một lòng hướng tới miền Nam thân yêu, ruột thịt.

Vần “thắng” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc, thừa nhận chính thức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Năm 1969, sức khỏe Bác giảm sút nhiều nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết và cũng là bài thơ chúc Tết Bác tự đọc – món quà cuối cùng cũng là lời tiên đoán thần kỳ về con đường giải phóng đất nước trước lúc Bác đi xa.

Hơn 6 năm sau bài thơ Chúc Tết năm 1969, ngày 30/4/1975, những lời tiên đoán của Bác về một mùa Xuân đại thắng đã trở thành sự thật. Thành quả cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã không nằm ngoài sự tiên đoán trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người, đó là khi Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.