Tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp

Ngày 17-7, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 3, để đánh giá kết quả công tác PCTN sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm; bàn kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.


Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chủ trì phiên họp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN nêu rõ, sáu tháng qua, theo thống kê bước đầu, các cấp ủy đảng tiến hành kiểm tra gần 21.500 tổ chức đảng cấp dưới và gần 87 nghìn đảng viên; phát hiện gần 570 tổ chức đảng và gần 850 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật gần mười tổ chức đảng và gần 150 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra gần 1.500 tổ chức đảng và gần sáu nghìn đảng viên có dấu hiệu vi phạm; phát hiện gần 950 tổ chức đảng và gần 4.700 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật gần 80 tổ chức đảng và gần 2.200 đảng viên. Qua thanh tra, ngành thanh tra phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi 4.934 tỷ đồng và 401 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập thể, 819 cá nhân. Từ đầu năm đến hết tháng 5-2013, theo thống kê bước đầu, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 116 vụ/266 bị can về các tội tham nhũng, giảm 15 vụ, nhưng tăng 34 bị can so với cùng kỳ. Viện Kiểm sát các cấp truy tố 138 vụ/366 bị can về tội danh tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ/196 bị cáo về tội danh tham nhũng.

Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác PCTN còn nhiều hạn chế, như việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về các giải pháp phòng ngừa còn chậm. Việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn ít so với tình hình tham nhũng xảy ra,…

Sáu tháng cuối năm, công tác PCTN tập trung thực hiện tám nhiệm vụ lớn. Thực hiện Kế hoạch số 08, ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN quyết định thành lập bảy Ðoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư làm trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Thời gian tiến hành từ 15-8 đến 30-9-2013. Ðảng ủy Công an T.Ư, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư báo cáo tình hình thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc vụ án tham nhũng; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động của ngành, địa phương mình; gửi về Ban Nội chính T.Ư trước ngày 15-8-2013.

Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chọn tám vụ án và hai vụ việc tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm để theo dõi chỉ đạo. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử hai vụ án: Vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn 1) và vụ Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo các tòa án nhân dân: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Ðác Nông sớm đưa ra xét xử ba vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà Viện Kiểm sát đã quyết định truy tố (vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Nguyễn Bi và Nguyễn Thị Thanh Huyền tham ô tài sản tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam; vụ Vũ Việt Hùng cùng đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Giao Ban Nội chính T.Ư chủ trì phối hợp Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Huỳnh Thị Huyền Như, Dương Chí Dũng và một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác mà dư luận xã hội quan tâm. Ðối với các vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp chưa rõ dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, hoặc các loại án nghiêm trọng khác, giao Ban Nội chính T.Ư theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động xác minh và tham mưu trực tiếp Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo,…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sáu tháng đầu năm, công tác PCTN đạt kết quả tích cực trên một số mặt, như công tác tuyên truyền giáo dục; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng. Cụ thể là nhiều nghị định của Chính phủ được ban hành; xây dựng quy chế công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập,…

Ðồng chí nêu rõ, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng có tác động, hiệu quả rõ rệt; việc phát hiện, khởi tố một số vụ án lớn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh; các hoạt động của hệ thống chính trị, của báo chí tạo ra hiệu ứng tích cực đối với công tác PCTN. Ý thức chuyển biến của các cấp, các ngành tốt hơn. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, công tác PCTN còn nhiều hạn chế, còn nhiều việc phải làm kiên trì, kiên quyết. Ðây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan, hết sức phức tạp. Công tác tuyên truyền chưa như mong muốn; việc xây dựng thể chế, cụ thể luật, xây dựng các nghị định, thông tư cần phải cố gắng hơn nữa. Việc kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN đối với các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm cũng cần quan tâm nhiều hơn. Một số cấp, ngành chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Một số luật chậm được cụ thể hóa. Một số vụ án trọng điểm, lớn triển khai xử lý còn chậm, nhất là trong khâu điều tra, giám định, cần tập trung khắc phục.

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Tổng Bí thư nêu rõ, phải tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về PCTN theo Kết luận số 21 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI); chú ý công tác tuyên truyền cần có bài bản hơn, có định hướng, phản ánh đúng mức, khách quan, tạo niềm tin trong nhân dân, nhưng không để lộ, lọt những nội dung đang điều tra, phục vụ tốt công tác PCTN. Triển khai, coi trọng biện pháp phòng ngừa, cả xây và chống; cả tuyên truyền và xây dựng các thể chế. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chú trọng các khâu, các địa bàn, lĩnh vực trọng yếu. Tập trung chỉ đạo một số vụ án tham nhũng lớn, hoặc có dấu hiệu tham nhũng lớn; phấn đấu chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ án lớn. Hết sức chú ý khâu điều tra, giám định. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy của các cơ quan PCTN. Từng thành viên Ban Chỉ đạo, là người đứng đầu các cơ quan liên quan công tác PCTN chủ động triển khai những phần việc được giao; tập trung thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.

Tổng Bí thư cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, cần tập trung vào một số vấn đề theo yêu cầu nêu trong Kế hoạch số 08 của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ðối với các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN tập trung chỉ đạo đôn đốc để xử lý, tốt nhất là giải quyết dứt điểm trong năm 2013. Nên coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm. Từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải tự mình tập trung để làm, nếu vướng mắc gì thì dưới sự chủ trì của Ban Nội chính T.Ư, do đồng chí Thường trực Ban Bí thư, phụ trách công tác PCTN trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan liên quan cùng bàn, giải quyết những ý kiến khác nhau còn vướng mắc. Nếu chưa giải quyết được, thì báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chỉ đạo trên quan điểm Ðảng lãnh đạo chứ không làm thay các cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử.

Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.