Tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu: Tìm giải pháp hiệu quả

Trước những khó khăn mà cả nông dân lẫn doanh nghiệp đang đối mặt, nhiều ý kiến cho rằng, để việc thu mua đạt hiệu quả, có nên duy trì các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hay mở rộng đối tượng tham gia tạm trữ, xây dựng thêm kho dự trữ. Đây là những hướng đi đang được đề xuất cho tạm trữ gạo Việt Nam.

Không thể cắt bỏ trung gian

Sản xuất lúa gạo hiện nay luôn cần một chuỗi liên kết khép kín. Tuy nhiên, chuỗi liên kết này có thể được một doanh nghiệp thực hiện, cũng có thể do nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng liên kết. Doanh nghiệp muốn thực hiện chuỗi liên kết này phải đủ năng lực về tài chính cũng như “đầu ra” tốt để phối hợp cùng nông dân. Bên cạnh đó, lực lượng thu mua lúa của nông dân, còn gọi là thương lái, “hàng xáo” cũng đóng vai trò quan trọng trong mắt xích này. Nhiều ý kiến đưa ra nhấn mạnh “hàng xáo” là thành phần không thể thiếu lúc thu hoạch, vận chuyển lúa.

Theo ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực, thực phẩm Vĩnh Long, “hàng xáo” đa phần là những người nông dân có ruộng. Khi thu hoạch xong, họ tự tổ chức thu mua lúa của nhiều nông dân khác, bán lại cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên thực tế, “hàng xáo” lấy công làm lời, nhưng chỉ lời rất ít, khoảng 200 đồng/kg lúa, thậm chí có khi còn phải chịu lỗ nếu giá lúa biến động lên xuống thất thường. Không những vậy, nhiều “hàng xáo” tự bỏ vốn làm ghe, phương tiện vận chuyển, tự thu mua, bốc dỡ, phơi sấy rồi bán lúa cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nếu cắt bỏ mắt xích “hàng xáo”, để nông dân tự sản xuất rồi thu hoạch, phơi, sấy, tự vận chuyển đến cho doanh nghiệp, chi phí sẽ đội lên gấp nhiều lần. Đồng thời, khoảng 80% các hộ trồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long canh tác trên diện tích chưa tới 1ha, thì sau khi trừ mọi chi phí, nông dân chưa chắc đã hòa vốn. Mặt khác, nếu doanh nghiệp trực tiếp thu mua, thì chi phí cũng mất đi không kém. Khi thu hoạch rộ, doanh nghiệp cần nhiều người thu gom lúa về cho doanh nghiệp. Nếu tập trung lực lượng nhân viên tìm hiểu khu vực trồng những giống lúa phù hợp với đơn hàng, tự phơi sấy, bảo quản, vận chuyển,… thì chi phí rất lớn. Khi hết mùa thu hoạch, doanh nghiệp phải mất chi phí trả lương cho lực lượng này.

Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, hệ thống lưu thông lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn qua “hàng xáo”. Kho bãi tạm trữ của nông dân không hiệu quả bằng hệ thống lưu thông này. Điều đặt ra không phải cắt bỏ “hàng xáo”, mà phải tổ chức các “hàng xáo” thành một nghiệp đoàn, vì họ không thu mua lúa trong địa bàn tỉnh mà còn thu mua lúa ở nhiều tỉnh khác, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp.

Cần mở rộng kho và đối tượng tham gia tạm trữ

Được biết, hầu hết các tỉnh đều đang tồn kho gạo trong vụ đông xuân với số lượng lớn. Vụ hè thu lại tiếp tục thu hoạch, nhu cầu cần kho chứa lúa gạo rất lớn. Tuy nhiên, với diện tích kho bãi hiện nay, vẫn chưa thể đáp ứng được sản lượng gạo trong năm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình, tổng sản lượng lúa hè thu của tỉnh Vĩnh Long đạt 360.000 tấn lúa. Các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ được giao chỉ tiêu thu mua 48.000 tấn quy gạo (tương đương gần 100.000 tấn lúa), đạt gần 1/3 sản lượng lúa thực tế. Dù biết rằng chương trình tạm trữ gạo trong mỗi vụ thu hoạch chỉ hỗ trợ cho nông dân trong tiêu thụ lúa và tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Nhưng điều này cũng gây khó cho doanh nghiệp trong công tác thu mua. Nông dân sản xuất lúa mà không bán được sẽ khó xoay vòng vốn sản xuất – ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long chia sẻ.

Không chỉ Vĩnh Long, Hậu Giang cũng gặp khó trong giải quyết kho bãi chứa tạm trữ. Tổng sản lượng lúa hè thu của Hậu Giang đạt 400.000 tấn lúa (tương đương 200.000 tấn quy gạo). Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết, 4 doanh nghiệp trong tỉnh được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 15.000 tấn quy gạo. Trong khi đó, kho bãi chứa của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc mở rộng kho bãi đáp ứng cho nhu cầu tạm trữ khoảng 50% sản lượng lúa hiện nay là rất cần thiết trong bảo quản chất lượng hạt gạo. Ông Hùng đề xuất: Để hỗ trợ tốt hơn cho nông dân lẫn doanh nghiệp, ngoài việc kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất cho vay tạm trữ, việc mở rộng đối tượng tham gia tạm trữ, tăng lượng doanh nghiệp bên ngoài Hiệp hội lương thực Việt Nam là tận dụng nguồn lực tại chỗ thích hợp nhất. Hơn nữa, nâng lượng tạm trữ trong mỗi vụ thu hoạch lúa cũng giúp lúa của nông dân bán được nhanh hơn. Mặt khác, giải quyết tồn kho của vụ đông xuân cũng là việc phải làm trước để thực hiện tạm trữ vụ lúa hè thu.

Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực, thực phẩm Vĩnh Long cho rằng, để lượng gạo của vụ đông xuân lẫn gạo thu hoạch trong vụ hè thu 2013 lưu thông tốt, doanh nghiệp phải trộn gạo 2 vụ lại mới có thể bán với giá khả quan hơn. Nếu không, lượng gạo thu hoạch trong vụ hè thu sẽ khó bán ra do chất lượng quá thấp, vì ảnh hưởng của những cơn mưa kéo dài nhiều ngày. Việc Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long cũng bán bớt gần 70% lượng gạo trong kho ra thị trường nội địa cũng là một giải pháp tạm thời giúp giải quyết tồn kho hiện nay.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với chính sách mua, tạm trữ gạo, Bộ khuyến khích các thương nhân thu mua gắn với địa bàn vùng nguyên liệu, gắn với cánh đồng mẫu lớn. Bộ cũng khuyến khích thương nhân, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản xuất, gắn với người sản xuất lúa./.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.