Quốc hội thảo luận dự án Luật đất đai

Dự án Luật đất đai là dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, nhiều nội dung phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau. Vừa qua với tinh thần trách nhiệm trước cử tri,  Quốc hội thảo luận về dự luật này sau khi được tiếp thu, chỉnh lý từ hơn 07 ngàn lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước.

Về quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đất đai, Điều 19 một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn việc điều tiết giá trị tăng thêm không phải do người sử dụng đất đầu tư tạo ra, để đảm bảo thực thi trong thực tế. Hạn chế tình trạng như lâu nay Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng mà không có chính sách để thu lại giá trị tăng thêm để đầu tư.

Quang cảnh buổi thảo luận dự án Luật đất đai

Một số ý kiến cho rằng khi nhà nước giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất đó cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước phải trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.  Đại biểu đề nghị luật cần ghi rỏ trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất. Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đại biểu đề nghị: Bổ sung chế tài vi phạm của các tổ chức đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí đất đai, đồng thời có cơ chế để không phát sinh thêm những trường hợp mới bằng các quy định.  Đối với nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính v.v.. thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của Pháp luật.

Hơn 7000 lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước đóng góp cho dự án Luật đất đai

Về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư đại biểu đề nghị cần làm rõ thêm một số vấn đề sau: Điều 73, quy định sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp và đảm bảo dân chủ, khách quan. Tuy nhiên cần quy định cơ chế, cách thức để người dân tham gia, tránh tình trạng nhiều chủ sử dụng đất đòi hỏi về giá hoặc yêu cầu phi lý dẫn đến chậm tiến độ dự án. Cần có cơ chế để đảm bảo thế nào là công bằng và phù hợp để thuận lợi trong quá trình thực hiện.  Về định giá, đại biểu đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác, giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn. Một số nơi chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn. Một số khu tái định cư đã được lập nhưng không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp - Đoàn ĐBQH TPCT

Về thủ tục cấp giấy càng phức tạp, rối rắm, một số địa phương quy định hạn mức đất và diện tích đất ở tối thiểu khi tách thửa chưa thực sự hợp lý. Có nơi đã xây nhà kiên cố, đã ổn định nhiều năm, nhưng khi xin cấp giấy vẫn không được công nhận đất ở mà ghi diện tích đất ngoài hạn mức là đất trồng cây lâu năm, gây bức xúc trong nhân dân.  Để khắc phục các vấn đề nêu trên, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, bảo vệ quyền của người dân về đất đai, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa Điều 142 theo hướng: quy định ngay trong luật về hạn mức đất ở tối thiểu và tối đa, đồng thời quy định hạn mức đất tối thiểu chia tách thửa đất ở trong phạm vi cả nước. Không nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định 2 nội dung này nhằm hạn chế các địa phương quy định khác nhau mang tính áp đặt làm cản trở quyền sử dụng đất của nhân dân.

Ngoài các vấn đề vừa nêu, đại biểu còn quan tâm đến mọt số nội dung về quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tài chính về đất đai và giá đất, về chế độ sử dụng các loại đất, về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về công việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và sử dụng xử lý vi phạm pháp luật về đất đai cũng như về tính khả thi của dự thảo luật, từ luật đến các nghị định đến việc thực thi khi luật đã ban hành. Ngoài ra, đại biểu đề nghị với Quốc hội thông qua Hiến pháp trước sau đó mới chỉnh sửa và thông qua Luật Đất đai sẽ phù hợp hơn, đúng với ý nguyện của nhân dân. Theo dự kiến chương trình làm việc, dự luật này sẽ được thông qua vào ngày 21.6./.

Thanh Luân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.