Quốc hội kết thúc thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Qua 2 ngày thảo luận, những vấn đề mang tính nguyên tắc liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh được đông đảo đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và bản dự thảo. Tuy nhiên, về các thành phần kinh tế, đa số ý kiến cho rằng, 3 phương án trình Quốc hội đều thể hiện được tinh thần của cương lĩnh và định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta. Nhưng cách viết của phương án 3 gọn, xúc tích, thể hiện được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cách viết này thể hiện được sự vị trí, vai trò của mọi thành phần kinh tế nhằm khích lệ, động viên các thành phần kinh tế phát huy sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Liên quan đến Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không ít ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc Nhà nước tiến hành thu hồi đất trong một số trường hợp. Cách thức được đề nghị là đối với các dự án phát triển kinh tế, Nhà nước cần đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu thầu cho doanh nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá thu hồi đất và giá đấu thầu được Nhà nước điều tiết, sử dụng vào chính sách tái thiết hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, cần thống nhất những quy định trong Hiến pháp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan…
Trong quá trình thảo luận, phó chủ tịch Quốc Uông Chu Lưu đề nghị đại biểu Quốc hội dành thời gian phân tích và làm rõ hơn các thiết chế về chính quyền địa phương; chính quyền địa phương nên tổ chức ở mấy cấp? chính quyền đô thị mấy cấp? chính quyền nông thôn mấy cấp? chính quyền ở hải đảo như thế nào? một cấp hay nhiều hơn?
Về những vấn đề vừa nêu, đại biểu cho rằng: Việc điều chỉnh địa giới hành chính là một vấn đề rất quan trọng, không chỉ liên quan đến việc bảo đảm, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân về điều chỉnh lãnh thổ giữa các đơn vị hành chính, mà còn liên quan tới việc thành lập mới các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc sáp nhập các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở những nơi bị điều chỉnh địa giới hành chính; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở những nơi này. Hơn nữa, việc điều chỉnh địa giới hành chính còn liên quan tới việc phải có nguồn lực, ngân sách, kinh phí để chi cho thực hiện các nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính. Đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện nay Quốc hội hoạt động không thường xuyên, một năm chỉ họp 2 kỳ, mỗi kỳ khoảng 1 tháng nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vấn đề này.
Qua 2 ngày thảo luận có 86 lượt đại biểu đóng góp ý kiến, phát biểu kết thúc hai ngày thảo luận, phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo. Sau buổi thảo luận này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiêm túc, chất lượng với tinh thần lắng nghe, tiếp thu tối ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự kiến, dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng 10 tới./.
Thanh Luân