Phan Văn Khải – một nhân cách Thủ tướng đầy nghị lực và tâm huyết
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trút hơi thở cuối cùng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/3 trong sự tiếc thương và kính trọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, thầy thuốc và đặc biệt là người thân trong gia đình.
Vĩnh biệt người lãnh đạo quyết liệt trong đổi mới thể chế để đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, TTXVN xin giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:
Tôi được Trung ương điều về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1956, lúc bác Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Thời kỳ đầu tôi chưa biết về đồng chí Phan Văn Khải, chỉ biết đồng chí có vợ là cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương.
Mãi sau này bác Lê Đức Thọ mới cho tôi biết cụ thể về một thanh niên quê ở Củ Chi, thuộc Sài Gòn-Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn ra học văn hóa tại Trường Bổ túc công nông, sau đó gửi sang Liên Xô (cũ) học trường Đại học Kinh tế quốc dân, được đánh giá là một sinh viên nổi trội cả trong học tập và công tác Đoàn thanh niên.
Bác Lê Đức Thọ đã có lần nói với tôi: “Cậu Phan Văn Khải là một thanh niên thông minh có đức độ, đáng được đưa vào danh sách chuẩn bị cho cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược sau này.” Tôi chú ý lộ trình Đảng phân công công việc cho đồng chí Phan Văn Khải và theo dõi sự thành công của chàng thanh niên ấy qua những chặng đường công tác.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân ở Liên Xô (cũ), đồng chí Phan Văn Khải được phân công về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Trung ương chọn nhiều cán bộ vào tăng cường cho các tỉnh miền Nam trong đó có đồng chí Phan Văn Khải.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đến Đại hội VII (năm 1991) được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và năm 1997 giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), đồng chí tái đắc cử Ủy viên Bộ Chính trị và tiếp tục cương vị Thủ tướng Chính phủ cho đến khi nghỉ hưu năm 2006.
Nếu nói về công tác quy hoạch cán bộ cấp lãnh đạo chiến lược thì trường hợp đồng chí Phan Văn Khải là một trong không nhiều trường hợp thành công nổi bật.
Từ một thanh niên Nam bộ được đào tạo bài bản và được thử thách qua nhiều trọng trách, từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) rồi về phụ trách công việc của một thành phố lớn nhất nước, sau đó mới tham gia Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng rồi đến Thủ tướng Chính phủ.
Hiệu quả công việc của đồng chí Phan Văn Khải được Đảng và nhân dân tôn vinh, thừa nhận. Chỉ kể riêng thời kỳ giữ chức Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn khó quên.
Đồng chí Phan Văn Khải là người tích cực và kiên quyết xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng rất nhiệt tình cách mạng theo tinh thần đó, nhưng riêng Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ có nhiệt tình mà còn là người có ý chí và tâm huyết trong việc xây dựng thể chế và chỉ đạo thực hiện.
Đồng chí đã tận dụng được kinh nghiệm của Việt Nam và nắm bắt được yêu cầu đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế để xây dựng thể chế kinh tế Việt Nam.
Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, những bộ luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.
Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại “giấy phép mẹ,” “giấy phép con”; hoàn thành những vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO; để lại cho nhiệm kỳ sau một nền kinh tế đang tăng trưởng GDP trên 8% (trong hai năm 2005-2006) và một Việt Nam có vị thế được coi trọng trên trường quốc tế.
Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao được học tập về kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách bài bản, đồng chí có điều kiện hiểu rõ các ưu điểm và nhược điểm của kinh tế xã hội chủ nghĩa và tìm cách sửa chữa nó, xây dựng thể chế mới một cách thận trọng và hợp lý để kinh tế Việt Nam tiếp cận được với thời đại mở cửa.
Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người thể chế hóa các nhiệt tình đổi mới của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đáng tiếc là giai đoạn sau đó, các thành tựu xây dựng thể chế của Thủ tướng Phan Văn Khải đã bị làm méo mó, tạo ra tình trạng lỏng lẻo, pha tạp của nền kinh tế, có sự chi phối của các nhóm lợi ích bất chính, nạn tham nhũng và nhiều vụ đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và công quỹ, chứ không phải là tiếp tục đổi mới, mở cửa một cách thận trọng, chặt chẽ theo hướng bền vững.
Như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: “Đức tài của một cán bộ phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo,” đồng chí Phan Văn Khải đã thể hiện xuất sắc điều đó.
Cùng với những thành tựu về công việc, trong đời sống hàng ngày, đồng chí để lại trong lòng bạn bè, đồng chí một tình cảm chân thật và rất ân tình như cha ông ta đã nói: “Công danh phú quý rồi cũng qua đi, chỉ còn để lại một chữ tình.” Tình mẫu tử, tình vợ chồng, tình bạn, tình đồng chí là vĩnh viễn.
Đồng chí Phan Văn Khải lúc còn đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu, luôn giữ được tình cảm chân thành và trong sáng, được bạn bè và đồng chí yêu thương, quý trọng.
Riêng cá nhân tôi, với anh Sáu “Phan Văn Khải,” hơn kém nhau chỉ 3 tuổi đời, người Nam kẻ Bắc nhưng chúng tôi coi nhau như người bạn thân tình, thỉnh thoảng thăm nhau để dốc bầu tâm sự vì anh Sáu “Phan Văn Khải” là một nhân cách – một Thủ tướng giàu nghị lực và tâm huyết”./.