Phản ứng của người Pháp về cải cách hưu trí
Theo kết quả cuộc thăm dò mới đây của Viện thăm dò dư luận Pháp (Ifop) về các biện pháp đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống hưu trí và chế độ lương hưu cho thấy, đa số người Pháp tỏ thái độ phản đối các nỗ lực cải cách bổ sung.
Cuộc cải cách hưu trí chính thức được áp dụng tại Pháp cách đây 3 năm, theo đó nâng độ tuổi về hưu theo luật định từ 60-62 tuổi và quyết định này cho tới bây giờ vẫn gây nhiều tranh cãi tại Pháp. Có tới 60% người dân tham gia cuộc thăm dò không đồng ý việc tăng độ tuổi về hưu trên 62 tuổi và tới 57% không ủng hộ việc kéo dài thời hạn đóng bảo hiểm xã hội trên 42 năm thâm niên, được dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm 2020 (theo luật cải cách hưu trí năm 2003). Trong khi đó, khoảng 48% ủng hộ và 52% phản đối đề xuất tăng phần đóng góp bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động và người lao động.
Kết quả thăm dò của Ifop cũng cho thấy phần lớn số người đã về hưu thường thiên về ủng hộ các giải pháp mà sẽ không áp dụng đối với họ, trong khi thế hệ đang trong độ tuổi lao động phần lớn chống lại các biện pháp này. Khoảng 58% người Pháp trên 65 tuổi ủng hộ việc tăng độ tuổi về hưu trên 62 tuổi, trong khi tỉ lệ ủng hộ trung bình chỉ khoảng 35% ở các nhóm tuổi trực tiếp liên quan. Tương tự, có trên 60% số người được hỏi trong nhóm tuổi từ 18-64 phản đối việc kéo dài thời gian đóng góp bảo hiểm xã hội, trong khi có tới 61% số người cao tuổi đã về hưu ủng hộ giải pháp này.
Trong giới chính trị Pháp, bày tỏ quan điểm về việc kéo dài thời gian làm việc, 56% những người thuộc cánh hữu (có số người về hưu chiếm đa số) ủng hộ, trong khi tỉ lệ này ở những người thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS) chỉ có 32%. Trái lại, hầu như không có sự khác biệt liên quan đến việc tăng phần đóng góp bảo hiểm xã hội với 52% cử tri của PS và 47% cử tri cánh hữu chấp nhận điều này./.
TTXVN