Nhật tăng cường quan hệ với Đông Nam Á
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu ngày 16-1 tới 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia không chỉ là phần trong chính sách đối ngoại thúc đẩy thương mại và đầu tư mà còn là chiến lược xoay trục vào Đông Nam Á của Nhật Bản trong nỗ lực kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh hải và độc quyền kiểm soát an ninh biển của Trung Quốc.
Ngoài chuyến thăm của ông Abe, Phó Thủ tướng Taro Aso đã đến Myanmar hồi đầu tháng này. Ngoại trưởng Fumio Kishida thì vừa kết thúc chuyến thăm Philippines, Singapore, Brunei và Úc với mục đích chính là bàn về các vấn đề chiến lược tại khu vực.
Tờ The Nation của Thái Lan ngày 14-1 cho rằng trong 4 thập niên qua, chính sách ngoại giao của Nhật Bản tại Đông Nam Á chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế và viện trợ phát triển. Tờ Wall Street Journal của Mỹ cho biết thêm kể từ những năm 1980, Nhật Bản coi Đông Nam Á là trung tâm sản xuất hàng hóa trong chính sách dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài của mình. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi biết rằng Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất-nhì của Thái Lan và Indonesia tại Đông Nam Á. Nhật Bản cũng là nước đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào ASEAN năm 2011 đạt tổng giá trị 15,3 tỉ USD, tăng 39% so với năm 2010 và trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai của ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại ASEAN-Nhật Bản trong cùng thời điểm đạt 206,6 tỉ USD, tăng 32,3%. Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và là nhà xuất khẩu lớn nhất vào ASEAN.
Chiến lược “xoay trục” của Nhật Bản
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 11-1 nhằm thông báo chuyến thăm Đông Nam Á, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Tôi muốn làm sâu sắc thêm các mối quan hệ không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà cả năng lượng và an ninh quốc gia với ASEAN, nơi đã hình thành một khu vực kinh tế rộng lớn và có dân số tăng nhanh”. “Việc đi thăm các nước ASEAN là cực kỳ quan trọng và tôi muốn bày tỏ những kiến nghị về ngoại giao châu Á” – ông Abe nói thêm.
Theo ông Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, trong hơn một thập niên qua, Nhật Bản chỉ chú trọng đến đầu tư và để Trung Quốc mặc sức “tung hoành” bằng các sáng kiến ngoại giao khu vực. Giờ đây, chính quyền của ông Abe phải gắng sức thay đổi tình thế, thúc đẩy các mối quan hệ tại Đông Nam Á. “Nhật Bản đang có nhiều việc phải tăng tốc mà làm tại Đông Nam Á”- ông Storey nhấn mạnh.
Theo tờ The Nation, tại Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines là những quốc gia tiềm năng tốt nhất cho chính sách tăng cường hợp tác an ninh mới của Nhật Bản. Việt Nam có bờ biển dài trên 3.000 km, thật sự là nơi lý tưởng cho sự hợp tác an ninh hàng hải. Philippines án ngự một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp và quan trọng nhất thế giới cùng với khả năng mở rộng lãnh hải. Hơn 80% lượng dầu thô và 60% nguồn năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đi qua tuyến đường này. Việt Nam và Philippines đồng thời là bên quan trọng trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, nước cũng đang tranh chấp căng thẳng hải đảo trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Manila mới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tái cam kết sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra đa chức năng giúp Philippines bảo vệ tốt nhất lãnh hải của mình. Lãnh đạo ngành ngoại giao hai nước nhấn mạnh Nhật Bản và Đông Nam Á có chung lợi ích đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Đông Á. Nhật Bản cũng có thể hỗ trợ Việt Nam trên lĩnh vực này, theo The Nation.
Baocantho