Nga cam kết giúp Việt Nam xử lý chất thải hạt nhân

Đoàn Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga do ông Sergei Levchenko, phó chủ nhiệm Ủy ban năng lượng Duma, chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam dẫn đầu đã đến Ninh Thuận, thăm vùng dự án dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Tại nơi đến thăm (vùng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), đoàn Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga đã nghe ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận báo cáo tiến độ thực hiện dự án, giới thiệu sơ đồ vị trí xây dựng Trung tâm hợp tác kỹ thuật và công nghệ hạt nhân…

Ông Sergei Levchenko, phó chủ nhiệm Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga yêu cầu ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cần có sự đánh giá nghiêm túc liên quan đến tác động môi trường trước khi bước vào thi công, tính số công nhân tham gia thi công; hướng giải quyết khó khăn trong việc quy hoạch nơi ăn, ở cho đội ngũ công nhân, các chuyên gia khi tham gia xây dựng nhà máy.

Ban quản lý dự án cũng cần tính đến hướng vận chuyển vật liệu vào xây dựng; vấn đề kỹ thuật làm mát nhiên liệu urani khi nhà máy hoạt động…, đồng thời phải có biện pháp quản lý chặt chẽ khi nhà máy đưa vào vận hành.

Nhân chuyến thăm của ông Sergei Levchenko, ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tỉnh Ninh Thuận mong muốn đối tác Nga cần quan tâm đặc biệt cho Việt Nam như trước đây, cung cấp công nghệ tiên tiến, hiện đại và an toàn nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.

Với cam kết của mình, phía Nga cần hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia về vấn đề này.

Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, với cam kết lâu dài sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời đồng ý cho Việt Nam vay tín dụng xuất khẩu để triển khai dự án.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được dự tính xây dựng với hệ số an toàn cao, trên cơ sở các lò phản ứng nước nhẹ hiện đại, sử dụng công nghệ nước áp lực (VVER) theo thiết kế của nhà máy điện thế hệ 3, với mức độ an toàn hơn hẳn thế hệ 2, đã được một số nước trên thế giới áp dụng./.

(Theo sgtt)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.