Bánh tro Yên Lãng mang đậm nét chân quê của người dân Yên Lãng, nó thể hiện sự cần cù chịu khó , khéo léo của người phụ nữ nơi đây.
Tập hợp các loại bánh làm từ gạo nếp, ta sẽ ít nhiều thấy hết tính đặc trưng cũng như sự lạ kỳ về hình thức ý nghĩa, tên gọi, nào là: bánh chưng, bánh giầy, bánh nếp, bánh rán, bánh rậm, bánh tro… và hé mở ra nhiều vẻ, nhiều nét về sự giàu đẹp của đất nước có nền văn minh lúa nước.
Tết Nguyên đán có bánh chưng, bánh giầy, Tết Hàn thực có bánh trôi, bánh chay, Tết Trung thu có bánh dẻo, bánh nướng. Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) có bánh tro. Bánh tro (bánh Gio) còn gọi là bánh âm vì nó có đặc tính thiên âm, bổ âm, do được làm ra từ nguyên vật liệu có tính âm (thực vật và các chất khoáng can xi, kali…)
Bánh tro chỉ nội tên gọi cũng đủ để thấy sự độc đáo và chân quê. Độc đáo vì nó thuần Việt, độc đáo vì màu sắc trong suốt như hổ phách, độc đáo từ cung cách chế biển đến thưởng ngoạn. Đậm chất quê, hương quê vì bánh được làm ra từ nơi thôn dã, từ bàn tay của người phụ nữ quê nghèo, chịu thương chịu khó đảm đang và tháo vát. Nhìn chiếc bánh người ta sẽ hiểu được chủ nhân của nó: sự khéo léo, cẩn trọng, chu toàn hay vụng về, dễ dãi. Miền Bắc nổi tiếng có bánh tro làng Đắc Sở (huyện Hoài Đức Hà Nội), bánh tro Tây Đình (Vĩnh Phúc), Miền Nam có bánh tro Phú Yên, Bình Định. Miền Trung có bánh tro Quảng Nam, bánh tro Yên Lãng (Thanh Hóa).
Yên Lãng là tên gọi vùng đất xưa nay thuộc hai xã Xuân Yên và xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân. Đất này nổi tiếng bởi sự khéo tay hay làm, họ biết chế tạo ra công cụ ép để ép ra nhiều loại dầu ăn: dầu lạc, dầu vừng, dầu trẩu, thầu dầu…và biết làm nhiều loại bánh trái. Nhiều người đồ rằng vùng đất này xưa được tiếp thu tinh anh của quan lại, thợ thuyền trong triều khi kinh đô Vạn Lại Yên Trường còn đóng ở đây. Nghĩ cho cùng vua quan cũng từ dân mà ra, dân biết làm nông cụ, công cụ, ra lúa gạo, bánh trái mà nên vua, vua biết ăn món quê dân dã mà gần dân, gần dân là tính thiện nên ai mà chẳng hoàn dân. Đất Yên Lãng như là gạch nối triều chính với bản quán, vua và dân. Dân làm ra bánh tro để ăn, vua cũng thích ăn nên dân cung kính.
Bánh tro Yên Lãng cũng được làm với các công đoạn như mọi nơi khác, chỉ khác ở phần nguyên liệu làm nước ngâm gạo. Ở Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nước ngâm gạo được lấy từ tro của cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi và đánh với nước vôi trong, ở Phú Yên là tro của cây tầm gửi ( trên loại cây lành như dâu, bưởi), cây mè (vừng) còn ở Yên Lãng là tro của rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre. Thứ tro này được rây cho mịn đem hòa với nước vôi theo một tỷ lệ nhất định, người làm nghề sành điệu biết điều tiết tỷ lệ này để cho ra bánh có màu hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt thơm mát, nuột nà.
Gạo là nguyên liệu chính làm nên bánh tro, người dân Yên Lãng chọn thứ gạo nếp cái hoa vàng đều hạt cho vào thứ nước trong ấy để ngâm gạo trong chừng một đêm khi nào vớt ra thấy hạt gạo miết ở hai đầu ngón tay nát mịn là được. Gạo ngâm xong được vớt ra xối sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi để cho ráo mới đem gói. Lá gói bánh thường là lá dong hoặc là chuối hột, bánh Yên Lãng thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh gói xong đem luộc chín, phía dưới cùng của nồi luộc thường được lót một lớp lá dong già cho khỏi bén và thêm đậm hương. Bánh chín khi bóc ra lộ nguyên hình trong suốt một màu có thể nhìn xuyên thấu, đụng tay vào núng nính mềm mại như khối thạch.
Người dân Yên Lãng làm bánh để cúng tổ tiên, họ biết điều tiết nước ngâm để bánh đỏ như mặt trời trông rất đẹp, hấp dẫn. Có bạn bầu, anh em cùng bóc và cắt ra thành từng miếng nhỏ nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng thơm phức, thảng thốt nao lòng trước hương vị ngọt mát thanh dịu của bánh tro làng Yên Lãng. Bánh tro đem chấm với mật mía mới thấy sự hòa điệu đáng ngưỡng vọng. Người Yên Lãng gốc ra Hà Nội có lần lên đầu phố chợ Hôm (phố Huế) để thưởng thức bánh tro phía Bắc ăn mà vẫn nhớ bánh quê nhà.
Theo Đông y thì cơ thể con người “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”, bánh tro có vị nhạt, tính mát ăn rất dễ tiêu, tốt cho tiêu hóa thích hợp nhất với người già, trẻ nhỏ và chị em có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ, bánh tro có chức năng tư âm, dưỡng âm nên được mọi người nhất là chị em rất ưa dùng nhất là vào những ngày Hạ nắng nóng. Phải chăng vì thế mà bánh tro được làm vào dịp Tết Đoan ngọ ( đoan dương, chính dương) thời điểm nóng nhất trong năm. Vào những ngày này, ai ai cũng háo hức mong đợi để được thưởng thức hương vị thơm mát của bánh tro và cùng nhau đón Tết rộn ràng.
Bánh tro là nét ẩm thực độc đáo, đặc sản của người Yên Lãng, cũng độc đáo nổi tiếng như vùng quê hai vua này./.