Mê headphone, coi chừng bị điếc!

Ngày nay, không khó bắt gặp hình ảnh những học sinh, sinh viên trên xe buýt hoặc đi xe máy mang headphone nghe nhạc

Công nghệ càng phát triển, các phương tiện hữu ích như smartphone (điện thoại thông minh), headphone (tai nghe) càng trở nên phổ biến. Song, nhiều người thường dùng headphone đến mê mệt mà không biết rằng thói quen này có thể đẩy họ đến nguy cơ cao bị điếc.

Cần cai “nghiện” headphone

Trường hợp mới nhất bị giảm thính lực vì “nghiện” headphone là N.T.C.A (học sinh lớp 4; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM). Gần đây, việc học hành của A. bị ảnh hưởng không ít vì em viết chậm, sai lỗi chính tả khi giáo viên đọc bài cho cả lớp chép; còn nói chuyện thì phải lớn tiếng em mới nghe được.

Bệnh điếc thường diễn biến âm thầm trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì rất khó hồi phục Ảnh: Hoàng Triều

Qua điều tra bệnh sử, các bác sĩ phát hiện A. bị giảm thính lực là do tác động âm thanh từ bên ngoài trong một thời gian dài. Người nhà cho hay A. có thói quen dùng headphone mỗi lần xem phim, nghe nhạc và thính lực em bị giảm lúc nào thì gia đình không hay biết. Do tổn thương mức độ nhẹ và được phát hiện sớm nên bệnh của A. nằm trong vòng kiểm soát. Các bác sĩ chỉ yêu cầu phụ huynh cho em “cai” ngay thói quen này nếu không muốn bị điếc thật.

Tại các bệnh viện (BV) nhi đồng, phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, trẻ đi khám vì giảm thính lực liên quan đến headphone ngày càng đông, chủ yếu ở độ tuổi đi học. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Ðồng 1 (TP HCM), phần lớn bệnh nhi đến khám thính lực là do nhà trường phát hiện rồi thông báo cho phụ huynh. Các bé này đều có thói quen mê chơi game, nghe nhạc qua headphone nhưng phụ huynh lại không thể kiểm soát được.

Giới chuyên môn cảnh báo rằng với sự phát triển và phổ biến của công nghệ ngày nay, một đứa trẻ chừng 4-5 tuổi cũng có thể biết sử dụng điện thoại di động, iPad… và tự cắm tai nghe. Tại các cửa hiệu internet, hằng ngày, nhiều thanh thiếu niên “ngồi thiền” chơi game, đeo headphone và bật âm thanh hết cỡ để nghe cho “đã tai” những tiếng động chát chúa từ họng súng, gươm đao phát ra mà không biết rằng thói quen này đang bào mòn thính lực, thần kinh của mình. Cũng cần nhớ rằng trẻ em khác người lớn về khả năng kiểm soát thời gian sử dụng headphone và âm lượng.

Có thể rối loạn thần kinh

Các chuyên gia thính học cảnh báo đời sống công nghiệp cùng với tiện ích nhiều mặt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại khiến nhiều người đối diện thường xuyên với các mối nguy về sức khỏe, trực tiếp là nguy cơ điếc sớm, không chỉ với trẻ em mà cả ở người lớn.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Khoa Thính học BV Tai Mũi Họng TP HCM, trong cấu trúc tai người, tế bào lông ở tai trong (khoảng 16.000 tế bào) là bộ phận quan trọng nhất để nhận, truyền tín hiệu âm thanh vào não. Tế bào lông rất dễ bị tổn thương nếu chịu tác động bởi âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Việc thường xuyên nghe nhạc, chơi game… với cường độ âm thanh dồn dập rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương. Chưa kể, về lâu dài còn dẫn đến rối loạn thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ… do não bị tác động mạnh.

Thông thường, tai người có thể tiếp nhận được cường độ âm thanh tối đa 90 decibel (đơn vị đo cường độ của âm thanh, viết tắt dB). Nếu có tác động âm thanh lớn đột ngột từ 120 dB đến 140 dB thì tai có thể bị điếc ngay lập tức. Một khảo sát của BV Tai Mũi Họng trung ương cách đây chưa lâu cho thấy trong số bệnh nhân bị điếc đột ngột có hơn 40% là thanh niên (tuổi từ 16 đến 30).

Theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ điếc sớm, nên kiểm soát thói quen nghe headphone. Âm lượng khi nghe headphone nên điều chỉnh nhỏ hơn 2/3 mức cho phép, tức khoảng 60-70 dB. Nếu nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) sẽ làm tổn thương ốc tai.

“Việc đeo tai nghe khi ngủ cũng gây tác hại không ít. Bệnh điếc thường diễn biến âm thầm trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì rất khó hồi phục” – một chuyên gia lưu ý./.

NLĐ

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.