Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả chưng bàn thờ ngày Tết bao hàm nhiều ý nghĩa: mâm lễ cúng ông bà tổ tiên, mâm lễ cầu ước may mắn, tốt đẹp nhân dịp đầu năm, mâm hoa quả trưng bày cho đẹp mắt…
Ý nghĩa mâm ngũ quả
Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thủy – hỏa – mộc – kim – thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ. Mâm ngũ quả tương ứng theo ngũ hành, nên buộc phải có đủ năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong đạt được một điều gì đó. Tục mâm quả ngày Tết là một nét đẹp truyền thống, nhằm nhắc nhở con cháu luôn biết ơn và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cũng như mong ước về một năm mới an khang, thịnh vượng.
Thông thường ngũ quả gồm năm loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) – quý (sang trọng) – thọ (sống lâu) – khang (khỏe mạnh) – ninh (bình yên).
Mâm ngũ quả ngày Tết của ba miền có sự khác nhau tương đối. Miền Bắc bao giờ cũng có nải chuối – thể hiện sự che chở của đất trời cho con người, nhưng một số người miền Nam thì lại cho rằng từ chuối – có âm giống từ “chúi”, “té chúi nhủi”, hoặc vỏ chuối trơn trượt dễ té, hàm ý trong năm làm việc gì cũng vấp nên không cúng chuối vào dịp Tết. Một số người miền Nam cũng không bày quả cam, bởi “cam chịu” hàm ý sẽ luôn phải chịu đựng gò bó nên không dùng. Trong khi đó, mâm ngũ quả của người Bắc không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói.
Trong mâm ngũ quả miền Nam thường thấy có mãng cầu, tức là cầu chúc cho mọi điều đều như ý. Có dừa, vì lối phát âm “dừa” của người miền Nam đọc trại tương tự cho chữ “vừa”, có nghĩa là không thiếu. Có sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc. Và đu đủ, vì đó có nghĩa mang đến một năm mới được đầy đủ thịnh vượng. Ngoài ra còn có xoài, vì âm “xoài” na ná đọc trại như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Do đó, ngày Tết mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu “cầu vừa đủ xài sung” hay “cầu sung vừa đủ xài”), thêm “chân đế” là ba trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay), miễn sao đẹp mắt và “hoành tráng” là được…
Chưng tại nhà hoặc đặt dịch vụ
Bạn có thể tham khảo một số cách chưng theo kiểu mới, kết hợp với hoa, lá (xem ảnh), với các loại quả: mãng cầu-sung-dừa-đu đủ-xoài, mãng cầu-dâu (giàu)-dừa-đu đủ-xoài, mãng cầu-hồng-dừa-đu đủ-xoài, mãng cầu-thơm-dừa-đu đủ-xoài… Lưu ý, khi bày mâm ngũ quả cần chọn những trái căng tròn. Mũi của các quả phải quay ra bên ngoài, mỗi loại quả hướng về một phương nhưng cuống phải xoay vào trong (trừ dừa). Khi xếp lên bàn thờ thì theo nguyên tắc chung là: đông bình (bình hoa) tây quả (tháp trái cây), rồng trái, phụng phải.
Nếu phải chọn mua từng loại, sắp thành mâm tốn thời gian. Có thể đến các cửa hàng trái cây trên đường phố, hoặc sạp trái cây ở chợ, đặt họ đơm sẵn mâm, hoặc giỏ trái cây theo các nấc giá 200.000đ – 300.000đ – 500.000đ hoặc trên một triệu đồng, người bán sẽ chọn và chưng bày thêm với hoa, dây nơ… trông đẹp mắt hơn.
Tại TP.HCM có các nhóm chuyên kết ngũ quả thành các mâm, tùy theo nhu cầu, nghề nghiệp và điều kiện gia đình, có thể đặt mâm ngũ quả, tháp trái cây hay hoa trái kết rồng phượng theo các chủ đề như: Đại cát, Như ý, Phát lộc, Phát tài… hoặc “Công thành danh toại”, “Hiển vinh sinh ý”, “Sinh ý hưng long”, “Thọ tỷ Nam sơn”, “Trường thọ” (kèm theo bức tượng ông Thọ), “Đa phúc”, “Vàng son”, “Long phụng hòa minh”, “Sắt cầm hảo hiệp”, “Tùng lộc”, “Tứ linh”, “Phước Lộc Thọ”, “Long lân”, “Long hổ”… Mỗi chủ đề đều có hình minh họa cho khách chọn.
Có thể đặt hàng kết mâm ngũ quả phức tạp tại các tiệm cho thuê mâm quả cưới hỏi, các tiệm cung cấp bánh trà cưới, điểm cung cấp dịch vụ nấu ăn và đám cưới, nhóm các nghệ nhân ở Hóc Môn, Q.12 (TP.HCM), siêu thị (shop) trái cây…/.
(Theo phunuonline)