Lẩu ngon

Sự khác biệt giữa các loại lẩu nằm ở hương vị của nước dùng và nước chấm. Để nồi lẩu có hương vị đặc trưng, gia vị nấu lẩu khá quan trọng, vì vậy, chọn mua đúng gia vị chế biến, thì món lẩu hoàn hảo hơn.


Lẩu nấm – thịt bò Hàn Quốc

Để nấu nước dùng cho món lẩu này, dùng tảo bẹ ngâm nở cắt thành miếng vuông, cá cơm khô Hàn Quốc, ít rượu gạo và hành lá, cho tất cả vào nồi nước nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ khoảng 30 phút. Trộn đều ớt bột, tỏi băm, tiêu và nước tương Hàn Quốc (loại dùng nấu lẩu), hòa vào nước dùng, nêm lại vừa ăn, rồi lọc bỏ xác lấy nước. Nguyên liệu để nhúng lẩu cần chuẩn bị thịt bò loại mềm cắt lát mỏng và lớn bản, để nguyên hay ướp chút nước tương, bột nêm và dầu mè đều ngon. Nấm đủ loại: nấm mỡ, kim châm, linh chi, đông cô, bào ngư, hải sản… cắt gốc ngâm nước muối rửa sạch. Rau ăn kèm có cải thìa, cải thảo, rau tần ô, cà rốt, củ cải trắng. Nước chấm trộn đều nước tương, giấm và wasabi. Ăn kèm mì Hàn Quốc.

Lẩu Miso Nhật

Miso là tương làm từ đậu nành của người Nhật, thường dùng làm gia vị nêm nếm trong các món ăn. Nấu sôi nước, cho Dashi vào (Dashi là loại nước dùng chiết xuất từ thịt, cá, rau củ hay tảo biển). Khuấy tan bột Miso rồi cho vào nồi nước là đã có nước dùng mùi vị hấp dẫn. Thức ăn để nhúng lẩu gồm các loại thịt heo, thịt gà cắt lát mỏng hay mực cắt khoanh, cá cắt miếng dày. Rau ăn kèm có cải bó xôi, rau tần ô, cải bắc thảo, cà rốt, củ sen, hành tây, boa rô, đậu hủ non, tất cả rửa sạch cắt miếng vừa ăn. Dùng nước chấm Ponzu pha với dầu mè để chấm thức ăn. Lẩu này ăn cùng với miến.

Lẩu cay Tứ xuyên

Tứ Xuyên (Trung Quốc) nổi tiếng với các món nóng và cay đến tê lưỡi, lẩu cay Tứ Xuyên cũng không ngoại lệ. Nước dùng hầm từ xương heo, cho thêm gừng cắt lát và rượu. Sau đó cho đường, bột quế, thì là, đinh hương, thảo quả, đại hồi, tiểu hồi, lá thơm vào hầm để tăng thêm hương vị nước dùng. Bắc chảo nóng, cho mỡ bò vào (có thể dùng dầu ăn thay thế), khi mỡ ra hết thành nước, cho gừng, ớt, tỏi băm vào phi thơm, cho hoa tiêu, ớt khô, tương ớt Tứ Xuyên vào xào cho dậy mùi rồi đổ vào nồi nước dùng, nêm lại với bột nêm và nước tương cho vừa ăn là đã có nồi nước dùng rất thơm và cay. Thức ăn cho lẩu này rất phong phú, ngoài thịt viên, cá viên, tôm viên, có thể dùng thêm thịt bò, mực. Rau củ cũng đa dạng không kém, từ củ sen, cà rốt, củ từ, khoai môn đến cải thảo, bó xôi, cải thìa, cải xoong, còn có cả đậu hủ chiên. Ăn kèm ngoài mì, còn có bún gạo, hủ tíu tùy theo khẩu vị và ý thích. Nước chấm cho lẩu này cũng khá cầu kỳ, hòa giấm gạo, nước tương, dầu mè với gừng, tỏi băm nhuyễn và hành lá cắt nhỏ, sau đó trộn đều, khi ăn đập thêm một lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều rồi chấm thức ăn.

Lẩu xí quách

Lẩu xí quách chế biến không cầu kỳ như các loại lẩu khác, thành phần chính của lẩu chỉ là nước xương hầm, kết hợp với vài loại củ quả nên hương vị thanh và… dễ ghiền. Chọn mua xương ống còn thịt, để nguyên ống không chặt nhỏ, rửa sạch, trụng sơ rồi cho vào nồi nước hầm. Đừng quên vớt bọt thường xuyên. Trong khi chờ nồi xương mềm, làm sạch các củ quả nấu kèm như củ năng, nấm tuyết, cà rốt, bắp Mỹ, lê, táo đỏ rồi cho vào nồi xương, bỏ thêm ít gừng cắt lát, hầm chung đến khi tất cả đều mềm thì nhấc xuống. Có thể nhúng thêm thịt, hải sản và rau đủ loại, ăn với mì trứng./.

(Theo phunuonline)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.