Mỗi khi Tết đến, ai đi đâu xa trăm núi ngàn sông cũng trở về sum họp với gia đình và một hoạt động đặc biệt gắn kết mọi người trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Nam là gói bánh tét. Không có nồi bánh tét, đòn bánh tét trong nhà thì chưa phải là tết.
Cũng giống như bánh chưng miền Bắc, bánh tét luôn đứng đầu danh sách thực phẩm mọi nhà ngày tết bởi trước tiên nó là món ăn truyền thống không thể thiếu. Thứ đến, đây là loại bánh ngon, bổ dưỡng, hợp khẩu vị cư dân nền văn minh lúa nước. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giá bánh không đắt, chỉ cần bỏ ra 100.000 – 120.000 đồng là bạn có thể sở hữu một cặp bánh xinh xinh để mang về cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày tết. Ngày nay, nhân bánh cũng khá đa dạng, ngoài đậu xanh, thịt mỡ còn có thêm hạt điều, lạp xưởng, tôm khô…
Để có nồi bánh tét đêm ba mươi, cả nhà phải bận rộn trước đó hàng tuần. Trước tiên là chọn mua lá chuối, nếp, đậu, mỡ, thịt… Tiếp đến là bày ra cho mọi người xúm xít gói bánh. Vừa gói bánh vừa râm ran bao nhiêu là chuyện về tết; về những kỷ niệm, những người thân xa quê… Để luộc bánh, cần một chiếc nồi to, một “ông táo” kềnh càng, cửa đủ rộng để đốt cháy mớ củi gốc to bằng bắp chân người lớn suốt mười hai tiếng đồng hồ. Đêm thức canh nồi bánh tét chờ giao thừa đã trở thành dấu ấn, kỷ niệm theo suốt đời những ai một thời sống dưới luỹ tre làng xưa yêu dấu.
Làng bánh tét Hội Gia ở Tiền Giang có tuổi thọ hơn 60 năm luôn luôn nức tiếng với các món bánh tét bốn mùa. Đó là bánh tét lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng); bánh tét ngũ sắc (thêm nếp nhuộm màu xanh lá dứa và màu đỏ trái gấc); bánh tét bắp; bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa, nhân chay, nhân chuối… Bên cạnh sự “biến ảo” của thành phần bánh, mọi người “mê” bánh Hội Gia còn do hạt nếp đặc biệt dẻo ngọt nhờ thừa hưởng vị phù sa nồng nàn từ sông Bảo Định (một nhánh của sông Tiền) vắt ngang qua làng. Đặc biệt, truyền qua bao đời, bánh tét Hội Gia bao giờ cũng được cột bằng dây chuối. Chị Nguyễn Thị Thuý Phụng, một chủ lò cho biết: “Bánh tét cột bằng dây chuối sẽ nở “đúng” nếp, dây chuối cũng co dãn như thuyền theo con nước lớn nước ròng. Khi canh bánh, nhìn vào dây chuối, người nấu bánh sẽ biết nếp nở đến đâu, đặc biệt nếu nếp chai thì biết liền!”. Vào mùa tết, các lò bánh nổi tiếng ở Hội Gia như Bảy Tròn, Tám Trà, Năm Dẻn… nổi lửa từ sáng tinh mơ đến nửa đêm gà gáy mới đáp ứng đủ nhu cầu từ 5.000-7.000 đòn bánh/ ngày. Giá bánh ở đây cũng mềm, tuỳ theo hợp đồng, có thể từ 50.000-80.000 đồng/đòn.
Làm giàu nhờ nghề làm bánh tét mấy năm gần đây phải kể làng bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh). Bánh tét Trà Cuôn tự bao giờ đã trở thành món quà không thể thiếu cho khách du lịch tìm về địa phương. Đặc biệt vào mùa tết, suốt ngày làng Trà Cuôn dập dìu khách tìm đến mua và đặt bánh. Lượng bánh giao cho khách mùa tết có thể lên đến hơn chục ngàn đòn một ngày. Bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng “xanh vỏ đỏ lòng” với hương vị nước lá rau ngót không lẫn vào đâu được và món lòng đỏ trứng tươi ươm mặn mà. Nếp sáp địa phương thơm dẻo trước khi bao lấy nhân (đậu xanh, thịt mỡ, lòng đỏ trứng) sẽ được trộn đều nước lá rau ngót nên bánh tét Trà Cuôn có thể để được đến mười ngày mà không sợ mốc, thiu. Nổi tiếng ở làng là bà Thạch Thị Lý người Khmer hơn 40 năm sống nhờ nghề làm bánh tét và bà có 3 con gái nối nghiệp bà làm sáng danh bánh tét Trà Cuôn. Được biết, Sài Gòn Co.op Mart đã ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn món quà dân dã này với một số lò bánh tại Trà Cuôn.
Thuộc vào hàng “top” như bánh tét Hội Gia, Trà Cuôn… còn có bánh tét mật cật Phú Quốc (Kiên Giang). Bánh tét nhưng không gói bằng lá chuối mà gói bằng lá mật cật nên gọi bánh tét mật cật (cây mật cật có tán lá xoè rộng như cây cọ, mọc rất nhiều trên núi Hàm Ninh ở Phú Quốc, ngoài công dụng dùng gói bánh, lá mật cật còn dùng để chằm nón). Bánh tét mật cật hấp dẫn người ăn nhờ vị béo của dừa lẫn trong nếp trộn đậu ngũ sắc. Bánh này được gói hình tam giác chứ không dài đòn như bánh các vùng khác.
Xuân về, cùng gia đình đoàn tụ quây quần bên đòn bánh tét càng thấy sợi dây tình cảm thêm gắn bó keo sơn, ấm áp không khí tết cổ truyền./.
VEN