Lần đầu tiên, cứu được một bé sơ sinh bị nhiễm HIV

Lần đầu tiên trên thế giới, một em bé sơ sinh ở bang Mississippi (Mỹ) đã được chữa khỏi HIV. Sau khi được xác nhận nhiễm virus HIV từ lúc vừa sinh ra, em bé nói trên được Trường Đại học Trung tâm Y khoa Mississippi điều trị bằng thuốc kháng virus Antiretroviral (một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể), được truyền trong vòng 30 giờ đồng hồ sau khi sinh.

Tiến sĩ Deborah Persaud của Trung tâm Nhi thuộc ĐH Johns Hopkins

Em bé hiện đã 2 tuổi rưỡi và được ngưng điều trị từ một năm nay mà không còn dấu virus HIV tồn tại trong cơ thể. Theo tuyên bố của các bác sĩ tại Hội nghị ở bang Atlanta ngày 3-3, vẫn chưa thể đảm bảo em bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh, dù nhiều thí nghiệm cho thấy chỉ còn rất ít dấu hiệu của virus HIV. Tuy nhiên, giới khoa học đã rất lạc quan vì nếu hoàn toàn thành công, đây là sẽ là trường hợp thứ hai trên thế giới thoát khỏi virus gây nên căn bệnh thế kỷ. Trước đây, trường hợp duy nhất được coi là thoát khỏi virus gây bệnh AIDS hoàn toàn là người được thay tủy hiến tặng. Người hiến tặng là một trong những người rất hiếm có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với HIV. Anh Timothy Ray Brown ở San Francisco đến nay đã không cần điều trị gì thêm sau 5 năm được cấy ghép. Đối với trường hợp em bé này, Tiến sĩ Anthony Fauci ở Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho nhận định: “Có thể gọi đây là bước tiến gần hơn bao giờ hết đến giai đoạn chữa trị thành công”. Còn Tiến sĩ Deborah Persaud của Trung tâm Nhi thuộc ĐH Johns Hopkins cho biết: “Em bé đã được chữa trị thành công về mặt chức năng, nghĩa là có khả năng thuyên giảm lâu dài ngay cả khi mọi dấu vết của virus HIV chưa biến mất hoàn toàn”. Tiến sĩ Hannah Gay, chuyên gia về HIV ở ĐH Mississippi nhận định quá trình điều trị nhanh chóng rõ ràng đã đẩy lùi HIV ra khỏi máu của em bé trước khi virus có thể hình thành nơi ẩn nấp trong cơ thể. Các bác sĩ dự định sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu để chứng minh phương pháp điều trị tích cực hơn đối với nhóm trẻ mang nguy cơ cao này để tìm giải pháp đạt tới giai đoạn ngăn chặn hoàn toàn tổ tế bào ngủ. Trong lúc này, họ khuyến cáo “không ai được ngừng uống thuốc chống AIDS sau khi thấy trường hợp này thành công”. Tiến sĩ Deborah Persaud ở Trung tâm Nhi thuộc ĐH Johns Hopkins cảnh báo cái gọi là tổ tế bào ngủ có thể tấn công cơ thể người bệnh rất nhanh nếu ngừng uống thuốc. Nếu những thử nghiệm tiếp theo cho thấy cách thức này cũng có tác dụng với những trẻ em khác, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong cách điều trị trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm virus HIV trên toàn thế giới.

Đây là sự phát triển vượt bậc, có thể ảnh hưởng đến cách thức chữa bệnh cho trẻ sơ sinh có lây nhiễm HIV và cũng sẽ nhanh chóng giảm số lượng trẻ em đang chung sống với virus gây bệnh AIDS này. Nghiên cứu trên cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao tốt nhất là phải được điều trị ngay từ lúc mới sinh ra. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2011, khoảng 330.000 trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV và hầu hết là ở các nước nghèo./.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.