Hoạt động giám sát là nhiệm vụ quan trọng để đưa các Nghị quyết của Quốc hội vào đời sống

Ngày 04/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban thường vụ Quốc Hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của Quốc Hội, các cơ quan của Quốc Hội và đại biểu Quốc Hội trong việc giám sát thực hiện các Nghị quyết của Quốc Hội tại kỳ họp thứ Tư – Quốc Hội khóa XIII. Tham dự Hội nghị tại điểm Cầu Cần Thơ có Đồng chí Huỳnh Văn Tiếp – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH (Đại biểu Quốc hội), đồng chí Võ Thành Thống – Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các ĐBQH, cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND.


Tại kỳ họp thứ tư, Quốc Hội đã ban hành 07 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực lập hiến, giám sát và các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2013; về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư; về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Thống nhất cao nhiệm vụ giám sát đối với từng Nghị quyết mà Quốc Hội, các cơ quan của Quốc Hội và Đại biểu Quốc Hội sẽ thực hiện, nhiều Đại biểu đề nghị triển khai sớm kế hoạch giám sát đến các Đoàn Đại biểu Quốc Hội; tăng cường giám sát chuyên đề để tránh dàn trải, trùng lắp; khi kết thúc giám sát phải có báo cáo kết quả cụ thể. Đối với Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc Hội, Đại biểu thống nhất cao với quan điểm Kiên quyết không đưa vào chương trình để Quốc Hội xem xét, cho ý kiến hoặc quyết định những vấn đề chưa được chuẩn bị chu đáo về nội dung cũng như quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giám sát, xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tổ chức thực hiện và đưa các Nghị quyết của Quốc Hội vào thực tế đời sống. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Quốc Hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc Hội, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tốt các hoạt động giám sát. Đối với Đoàn Đại biểu Quốc Hội cần xác định và lựa chọn những vấn đề mà Đoàn quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân trong giám sát những vấn đề liên quan đến địa phương. Riêng từng Đại biểu Quốc Hội cùng với tham gia vào các hoạt động chung của Quốc Hội và Đoàn ĐBQH, phải có chương trình và hoạt động giám sát độc lập./.

Công Nguyện – Hoàng Nghĩa

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.