Giáo viên không được quảng bá, giới thiệu sách tham khảo

Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách, tài liệu tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Đây là yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản hướng dẫn về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo (STK) trong trường phổ thông.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên có thể sử dụng STK để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học…

Đồng thời, học sinh có thể sử dụng STK để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân; nghiên cứu khoa học…

Bộ cũng lưu ý, giáo viên, học sinh khi sử dụng STK nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa STK và sách giáo khoa (SGK) thì phải lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.

Hạn chế học thuộc máy móc theo sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương…

Theo đó, SGK là tài liệu chính để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, khi sử dụng SGK để chuẩn bị bài dạy, giáo viên cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình môn học, xác định trọng tâm của bài học để thiết kế bài dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.