Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được triển khai đến từng tầng lớp nhân dân
Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và Ban Chỉ đạo thành phố về việc lấy ý kiến nhân dân Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa có cuộc họp tổng hợp và đánh giá việc triển khai lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, đơn vị, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố. Đồng chí Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư thành ủy thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp. Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Hữu Lợi – Phó Bí thư Thường trực thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố; ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch UBND thành phố và các đồng chí trong Ban Thường vụ thành ủy.
Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 106 cơ quan, đơn vị cấp thành phố, quận, huyện và một số cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, có trên 92% cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến với hơn 1.000 cuộc hội nghị và hơn 60.000 lượt đại biểu tham dự, đóng góp trên 13.500 ý kiến. Trong đó, 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thực hiện xong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Qua các hội nghị, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với việc cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình mới và chủ động hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển đất nước toàn diện. Các nội dung được nhiều đại biểu, nhân dân quan tâm đóng góp gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; chính quyền địa phương và các quy định mới về hiến định của Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Riêng công tác triển khai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): tính đến ngày 11/3, Hội đồng Nhân dân thành phố đã có 114 ý kiến đóng góp; Sở Tài nguyên và Môi trường có 51 ý kiến đóng góp. Bên cạnh, các quận, huyện trên địa bàn đang tiếp tục triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Trong đó, các ý kiến đóng góp tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; các Điều, Khoản về cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất.
Dịp này, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và Ban chỉ đạo thành phố về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư thành ủy thành phố Cần Thơ đánh giá cao công tác triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ban chỉ đạo thành phố. Đồng thời, chỉ đạo Ban chỉ đạo thành phố về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục tổng hợp, báo cáo đầy đủ, kịp thời các nội dung đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) về gửi Trung ương; đảm bảo việc lấy ý kiến đóng góp một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đúng theo định hướng chỉ đạo của trung ương./.
Đồng Khởi – Hoàng Tâm