Dịch cúm A/H7N9: Không thổi phồng nỗi sợ hãi, không chủ quan
Dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện tại Việt Nam, song nguy cơ nhiễm virut này ở Việt Nam rất cao và cần có phương hướng chủ động phòng chống: giám sát, xử lý cũng như cấp cứu điều trị. Các cấp, ngành và cơ sở y tế khẳng định sẽ nỗ lực hết sức khi dịch bệnh lây lan ở nước ta.
Không thể chủ quan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa ra tuyên bố không có dấu hiệu cho thấy các trường hợp nhiễm virút cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc lây lan trực tiếp từ người sang người, song không thể loại trừ khả năng loại virút này đã lây lan theo cách thức tương tự như chủng virút H5N1.
Nhận định về chủng virút cúm mới này, PGS. TS Trịnh Quân Huấn – Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho rằng: Thông tin cúm A/H7N9 vẫn được biết đến là virut chủ yếu trên gia cầm, chim hoang dã nhưng hiện đã nằm trong nhóm nguy cơ lây từ động vật sang người. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên virút này xuất hiện trên người và gây tử vong nhanh chóng. Theo TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cúm A/H7N9 lần đầu tiên xuất hiện mà đã gây những triệu chứng nặng thì không thể chủ quan. PGS, TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng nhận thấy đây là sự cảnh báo của sự biến chủng virút cúm gia cầm lây lan một cách đáng lo ngại nhất hiện nay.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Hồng Hà cho biết: Khó khăn trong chẩn đoán bệnh cúm A/H7N9 là dấu hiệu lâm sàng tương tự các chủng cúm khác. Hầu hết đều ho, sốt, viêm kết mạc, sau đó có thể có triệu chứng viêm phổi cấp. Do chưa xác định được hiệu quả của thuốc kháng virút Tamiflu với virút cúm mới này nên việc điều trị nếu có ca bệnh cũng không đơn giản.
Ngành y tế sẵn sàng ứng phó
Sự sẵn sàng ứng phó của các cơ quan y tế bao gồm cả lực lượng về dự phòng giám sát và chẩn đoán, điều trị là một trong những hoạt động quan trọng đối phó với dịch cúm A/H7N9. Trước hết tập trung kiểm soát tại các cửa khẩu và sân bay phát hiện sớm những ca bệnh, kết hợp với các bộ liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu gia cầm qua cửa khẩu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Bệnh nhiệt đới trung ương – đơn vị đầu mối để dự thảo phác đồ điều trị cúm A/H7N9 và đây là tuyến điều trị cao nhất nếu có bệnh nhân. Khi có dịch xảy ra, BV sẽ mở rộng khu vực khám bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly bệnh nhân và phòng áp lực âm. Hiện đã chuẩn bị sẵn phương tiện chẩn đoán PCR cúm H7N9, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và đã dự phòng 3.000 viên Tamiflu, 8000 khẩu trang phẫu thuật, 250 khẩu trang kháng virút, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục… Dự kiến ngày 9-4 tới Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm H7N9 do BV này trình sẽ được Bộ Y tế thông qua.
Tăng cường truyền thông
Liên quan đến phác đồ điều trị cúm H7N9, WHO cho biết đến nay thuốc Tamiflu vẫn là thuốc nhạy cảm trong điều trị và dự phòng cúm. Tuy nhiên, người dân cần phải tự bảo vệ mình bằng cách giữa vệ sinh thân thể, môi trường, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không an toàn. Phải luộc kỹ gia cầm vì virút cúm gia cầm sẽ chết ở nhiệt độ cao, đặc biệt không được ăn tiết canh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dự phòng một cách thông thường nhưng có hiệu quả và theo khuyến cáo của WHO, đơn giản nhất là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc là chuẩn bị đồ ăn và khi tiếp xúc với thịt gia cầm hoặc thịt động vật. Phải đeo khẩu trang trong những trường hợp ho nhiều, hắt hơi, sổ mũi và khi ho, hắt hơi, sổ mũi, nên che để tránh tiếp xúc. Nếu như xuất hiện những hội chứng, triệu chứng như cúm, ho, sốt hay sổ mũi, nhức đầu thì hãy đến các cơ quan y tế để được khám kịp thời, chẩn đoán và điều trị.
Đặc biệt khuyến cáo của bà Marisa.Peyre – Chuyên gia dịch tễ học, Viện nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Pháp (đang hợp tác với Viện Thú y Việt Nam) rất đáng quan tâm. Đó là Việt Nam cần thực hiện việc minh bạch, công khai thông tin, nhất là thông tin từ các cơ quan chức năng nhà nước. Trên cơ sở đó là sự tích cực vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tác hại của virút cúm A/H7N9, giúp người dân không quá hoảng loạn, sợ hãi hay thiếu thông tin về H7N9. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh dịch, giám sát dịch ngay từ các làng, xã, cơ sở chăn nuôi là điều rất quan trọng./.